Cạn kiệt vắc-xin tiêm chủng mở rộng: hệ quả khôn lường từ tắc trách!

Sở Y tế TP.HCM mới đây thông báo, tính đến ngày 15 tháng 5 năm 2023, các cơ sở tiêm chủng tại thành phố đã hết hoàn toàn vắc-xin DPT-VGB-HiB và DPT cho Chương trình tiêm chủng mở rộng (dự án thuộc Chương trình mục tiêu y tế quốc gia).

Việc gián đoạn cung ứng vắc-xin thời gian dài được cho là do vướng một số thủ tục về quy định mua sắm hàng hóa diện nhà nước quản lý. Thêm vào đó là tình trạng cán bộ không dám làm vì sợ trách nhiệm.

Bác sĩ Đinh Đức Long nhận định với RFA:

“Vắc-xin thì có loại sản xuất tại Việt Nam, có loại phải nhập khẩu. Vắc-xin là một trong những sinh phẩm y tế như trang thiết bị, máy móc, thuốc men. Nó thiếu chắc là do khâu đấu thầu, mua bán. Nó không được như ngày xưa. Nó nằm trong bối cảnh chung. Còn cụ thể tắc ở khâu nào thì mình đâu có biết. Rõ ràng không chỉ vắc-xin mà còn bao nhiêu thứ khác. Bệnh viện Chợ Rẫy trang thiết bị, máy móc đắp chiếu vì thiếu cái này thiếu cái kia. Cả bộ máy vận hành hiện nay nó tắc. Cái đó thủ tướng có nói, bộ trưởng có nói. Tất cả đều rơi vào tình trạng chung là không ai dám làm, đấu thầu khó khăn.”

Tình trạng thiếu vắc-xin, thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế tại nhiều bệnh viện… không phải bây giờ mới xảy ra. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các đơn vị về giải pháp cung ứng thuốc, vật tư và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế hôm 23 tháng 6 năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân do nhiều cán bộ ‘sợ, không dám chịu trách nhiệm’.

Giải thích về tình trạng thiếu vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, báo VnExpress hôm 18 tháng 9 năm 2022 dẫn lời bà Dương Thị Hồng, Viện phó Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: “Hiện, các nhà cung cấp đều có sẵn vắc-xin trong kho song không thể mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành”.  

Rõ ràng không chỉ vắc-xin mà còn bao nhiêu thứ khác. Bệnh viện Chợ Rẫy trang thiết bị, máy móc đắp chiếu vì thiếu cái này thiếu cái kia. Cả bộ máy vận hành hiện nay nó tắc. Cái đó thủ tướng có nói, bộ trưởng có nói. Tất cả đều rơi vào tình trạng chung là không ai dám làm, đấu thầu khó khăn. -Bác sĩ Đinh Đức Long 

Bộ Y tế cho hay, thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng là do chờ các nhà sản xuất xây dựng phương án giá để thẩm định sau đó trình Bộ Tài chính, được chấp thuận mới có thể mua bán.

Bác sĩ Nguyễn Viện nêu quan điểm của ông với RFA:

“Vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng có hai loại. Một là vắc-xin do nhà nước cung cấp, hai là vắc-xin ngoại nhập. Đa số người dân thành phố thích dùng vắc-xin ngoại nhập vì ít tác dụng phụ và bảo vệ cũng cao hơn.

Theo tôi biết thì vắc-xin ngoại nhập đang thiếu do các hãng lớn họ ưu tiên cho những thị trường lớn. Năng lực sản xuất thuốc của họ cũng có giới hạn nhưng các cháu tới tuổi thì phải chích chứ đâu có đợi được.

Mấy năm qua thỉnh thoảng có những đợt không có thuốc. Những gia đình khá giả thì họ đưa con qua Thái Lan, Singapore để chích.”

Hệ quả cho trẻ  

Vắc-xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến cáo người dân tham gia tiêm chủng mở rộng đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, thời gian qua cũng có một số nơi, vào một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng nhiều trẻ. Nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. 

000_B53ZM.jpg

Bác sĩ Đinh Đức Long cũng cùng nhận định. Ông nói với RFA:

“Vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giúp cho những đứa trẻ mới sinh ra chưa có kháng thể chống lại những bệnh truyền nhiễm. Nếu như không phòng ngừa tốt sẽ phát sinh ổ dịch trong thành phố. Không những trẻ con mà cả người lớn nữa. Có thể tạo ra một thế hệ bị bệnh dịch nào đó, ảnh hưởng đến tương lai, nòi giống.

Trách nhiệm thuộc về tư lệnh ngành, đứng đầu là bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Nói thẳng ra như thế!”

Cũng theo Bác sĩ Long, trẻ có thể tiêm vắc-xin trễ so với yêu cầu theo tuổi, nhưng trong thời gian đó có nguy cơ mắc bệnh. Trẻ càng nhỏ tuổi khi mắc bệnh sẽ càng nặng. Nếu nhiều trẻ cùng tiêm chủng chậm thì dịch bệnh có thể quay lại.

Bác sĩ Nguyễn Viện thì cho rằng:

“Thông thường mũi thứ nhất đã được bảo vệ. Mũi thứ hai thì chắc chắn hơn và mũi thứ ba thì kéo dài hơn. Mũi thứ ba mà thiếu thuốc thì cũng không sao. Khi nào có thuốc sẽ được bảo vệ thôi. Nếu thiếu thuốc như bây giờ nó cũng ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ thiếu thuốc trong thời gian ngắn, chỉ vài tháng thì không đến nỗi. Bởi những cháu mới sinh ra thì chưa được bảo vệ nhưng những cháu khác đã được bảo vệ, nên dịch bệnh cũng khó lan truyền.

Theo tôi nghĩ, nhà nước không để thiếu vắc-xin lâu đâu. Họ phải tìm cách mua gấp để sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Để lâu sẽ ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng.”

Ths.BS Nguyễn Minh Ngọc, Điều hành Phòng khám tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM, hôm 17 tháng 5 năm 2023 cho truyền thông nhà nước biết, viện đã được cung cấp gần đầy đủ các loại vắc-xin. Hiện tại, viện thiếu hai loại vắc-xin gồm cúm, uốn ván và hai loại huyết thanh kháng dại và huyết thanh uốn ván không có trong đợt này…

Theo tôi nghĩ, nhà nước không để thiếu vắc-xin lâu đâu. Họ phải tìm cách mua gấp để sử dụng cho chương trình tiêm chủng quốc gia. Để lâu sẽ ảnh hưởng miễn dịch cộng đồng. – Bác sĩ Nguyễn Viện

Không chỉ vắc-xin, từ giữa năm ngoái, nhiều địa phương trong cả nước đã “kêu cứu” vì thiếu các thiết bị, vật tư y tế và thuốc chữa bệnh, chủ yếu là các loại thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của địa phương, gây ảnh hưởng việc khám chữa bệnh cho người dân. Nguyên nhân được Bộ Y tế đưa ra khi đó là do việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc và bất cập.

Thông báo của cơ quan chức năng vừa qua cho biết vắc-xin DPT-VGB-HiB (loại vắc-xin phối hợp có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib) đã hết từ đầu tháng 3 năm 2023; vắc-xin DPT là vắc-xin tổng hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hấp phụ, đã hết từ đầu tháng 5 năm 2023; vắc-xin viêm gan B, vắc-xin viêm não Nhật Bản sẽ hết vào cuối tháng 5 năm 2023; vắc-xin lao (BCG) sẽ hết vào giữa tháng 6 năm2023, vắc-xin bại liệt (bOPV) và sởi sẽ hết vào tháng 7 năm 2023; vắc-xin uốn ván (VAT) hết vào tháng 8 năm 2023 và đến hết tháng 9 năm 2023 sẽ hết vắc-xin sởi và rubella (MR).

Related posts