Chủ trương “đốt lò” và đề nghị “giảm phạt tù, tăng phạt tiền”!

Ông Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao hôm 16/5/2023 một lần nữa lại kiến nghị Quốc hội xây dựng chính sách giảm phạt tù, tăng phạt tiền đối với cán bộ sai phạm, nhưng không có mục đích vụ lợi.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, chính sách hình sự cần sửa đổi hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù… mà theo ông này là để vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục…

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 17/5 nhận định với RFA về kiến nghị này:

“Các bộ luật hình sự đã được dày công nghiên cứu và chỉnh sửa nhiều lần trước khi áp dụng chính thức. Trong đó đã quy định cụ thể về lượng hình và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, cũng như các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng… Vì vậy khi ông Lê Minh Trí muốn luật hóa khái niệm gọi là không vụ lợi, chỉ thi hành mệnh lệnh… thì tôi cho rằng sẽ là một khái niệm mơ hồ, không xác định được. Thứ hai, với chức trách nắm phần công tố, thì viện kiểm sát nên dày công nghiên cứu để ban hành cáo trạng sao cho thuyết phục nhất, mà kẻ phạm tội khó thể chối cãi. Rồi từ đó nên đề nghị một mức án hợp lý nhất để thuyết phục tòa, chứ không nên đưa những khái niệm mù mờ vào trong luật pháp.”

Bộ Chính trị cần phải ra nghị quyết, luật hóa một khái niệm vô cùng quan trọng, chi phối toàn diện trong quá trình tham nhũng, đó là cấm tuyệt đối lệnh miệng trong công việc hằng ngày. Lẽ ra điều đó là điều ông Lê Minh Trí nên đề nghị.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, giả sử áp dụng tăng phạt tiền, giảm phạt tù… thì những người không vụ lợi, chỉ chấp hành mệnh lệnh thì tiền đâu mà nộp? Vì theo ông Già, nếu họ không vụ lợi thì làm sao có tiền, ngay cả mức lương cao nhất của quốc gia như Thủ tướng hay Chủ tịch nước cũng không quá 25 triệu/tháng. Như vậy sẽ gây ra sự nhạo báng cho nền pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, bởi nó chồng chéo giữa vụ lợi và không vụ lợi. Ông Già nói thêm:

“Điểm quan trọng nhất theo tôi, Bộ Chính trị cần phải ra nghị quyết, luật hóa một khái niệm vô cùng quan trọng, chi phối toàn diện trong quá trình tham nhũng, đó là cấm tuyệt đối lệnh miệng trong công việc hằng ngày. Lẽ ra điều đó là điều ông Lê Minh Trí nên đề nghị. Còn đề nghị tăng phạt tiền, giảm phạt tù là đi ngược chủ trương của Bộ Chính trị, đặc biệt là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là chủ trương đốt lò. Ông Trọng đã tuyên bố củi khô, củi tươi gì cũng cháy lan hết, có nghĩa là phải tiêu diệt tham nhũng.”

Tóm lại theo ông Nguyễn Ngọc Già, đề nghị của ông Lê Minh Trí là một đề nghị vô ích, vô nghĩa và sẽ bị dư luận trong và ngoài nước chê cười, nếu như nó được luật hóa.

c59c5171-28be-44ee-aaf6-9007f56a7c6d.jpeg
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Courtesy kiemsat.vn

Đây không phải là lần đầu tiên Viện trưởng VKSND Tối cao – Lê Minh Trí kiến nghị giảm phạt tù cán bộ vi phạm, nhưng ‘không vụ lợi’, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào ngày 20/3/2023 ông Trí đã kiến nghị tương tự.

Trước đó, khi Tham gia Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6/2022 ông Lê Minh Trí cũng từng đề xuất cho người vi phạm nộp tiền khắc phục hậu quả để tránh xét xử hình sự.

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc khi trả lời RFA liên quan vấn đề này vào tháng 3 năm 2023 cho rằng, về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước thế nào cũng liên quan đến động cơ vụ lợi:

“Tôi khẳng định 100 % quan chức Việt Nam khi giành được quyền lực ở bất kỳ vị trí nào, thì đều đạt được hai tiêu chí, là quyền và lợi ích gắn liền với vị trí đó. Cho nên những vụ án mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quan chức cộng sản đó không vụ lợi, thì chẳng qua họ không thể chứng minh được những quan chức này đã nhận hối lộ. Vì việc đưa và nhận hối lộ rất kín đáo, cho nên họ đành phải nói quan chức này không vụ lợi mà thôi. Chứ về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi.”

Về mặt bản chất, bất kỳ một việc gì gây thiệt hại cho tài sản của đất nước, người dân… thế nào cũng liên quan động cơ vụ lợi.
-Luật sư Nguyễn Văn Đài

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, cơ quan chức năng đưa ra đề xuất này để họ biện minh cho những yếu kém của các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử ở Việt Nam. Ông Đài nói tiếp:

“Theo tôi không nên giảm án như vậy, vì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu cho những công chức yếu kém về năng lực cũng như đạo đức, họ sẽ vẫn cố tình ngồi trên ghế quyền lực đó để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và của người dân. Cần phải trừng phạt mạnh, khi anh ở vị trí quyền lực, đáng lẽ anh phải có tài năng, có đạo đức, nếu không có thì phải tự nguyện từ chức…”

Khoản C Điều 40, Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham nhũng và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra thì không phải thi hành án tử hình. Việc giảm án như vừa nêu trước đây chỉ được áp dụng riêng cho những ‘tham quan’ bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó đã được sửa đổi bằng Nghị quyết 3/2020 và kể từ  đó, bất kể mức án tham nhũng nào cũng được áp dụng việc không thi hành mức án cao nhất khung nếu nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng.

Với đề nghị tăng ‘tăng phạt tiền, giảm phạt tù với cán bộ không vụ lợi’ của Viện trưởng VKSND – Lê Minh Trí, thì dư luận cho rằng đã thể hiện một tư duy đi ngược lại nguyên tắc nhà nước pháp quyền vì có thể dùng tiền để thoát tội, trong khi cán bộ tham nhũng thì tiền có lẽ rất nhiều.

Related posts