Có nên dạy khởi nghiệp cho học sinh tiểu học?

Đưa khởi nghiệp, tư duy tài chánh vào chương trình giáo dục tiểu học, được coi là bước đột phá trong Dự thảo Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục hiện nay.

Tại cuộc họp giới thiệu Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức mới đây, PGS.TS Trần Thành Nam – Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng tình với việc đưa giáo dục hướng nghiệp dạy cho học sinh từ bậc tiểu học.

Ông đánh giá đây là điều rất cần thiết và giải thích rằng, xét về triết lý giáo dục, mỗi một đứa trẻ là một tài năng độc đáo, có những năng lực và trí thông minh đa dạng… Phải cập nhật liên tục nghề nghiệp, các môi trường đào tạo, thị trường lao động từng ngành nghề để trẻ em đo bản thân mình xem có hợp với nhu cầu của ngành nghề đó không. Nếu đợi đến trung học phổ thông mới giáo dục hướng nghiệp thì quá muộn.

Ông Trần Thành Nam kết luận: “Công tác giáo dục cần làm sớm hơn, có những phần cần phải đưa vào tiểu học vì chuyện đấy là cần thiết. Giáo dục hướng nghiệp nên dựa trên các hoạt động chủ đạo của các em. Giai đoạn 3 tuổi, các em bắt đầu chơi đóng vai đã là giai đoạn đầu tiên để nhận biết về nghề nghiệp. Bây giờ, chúng ta cũng phải thay đổi cách nhìn của cộng đồng”.

Theo tôi, ý tưởng dạy cho trẻ như vậy là ý tưởng của những người có tính cách cực đoan muốn đi tắt đón đường, làm cho trẻ mất đi cái hồn nhiên. Mà khi trẻ mất đi cái hồn nhiên thì tính nhân văn về cuộc đời trẻ sẽ bị tổn thương. Đây là một tổn hại cho gia đình và xã hội. – Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Ông Bùi Tiến Dũng – Vụ Giáo dục Công tác Học sinh sinh viên đồng tình với ý tưởng đưa hướng nghiệp vào dạy cho trẻ tiểu học khi phát biểu: “Hướng nghề hướng nghiệp phải phát hiện từ rất sớm. Trên cơ sở hiểu bản thân các em có thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Trong giáo dục nghề nghiệp có 4 tầng. Tầng thứ nhất làm thuê, tầng thứ hai là kinh doanh nhỏ lẻ, tầng thứ ba là khởi nghiệp, tầng thứ tư (đẳng cấp nhất) là ông chủ tập đoàn hoặc nhà đầu tư lớn”.

Tại Hội thảo Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) cách đây ba năm, Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu rằng, thời điểm ‘vàng’ để hướng nghiệp cho học sinh là cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3, song song với việc học, thi, học sinh sẽ có hứng thú tìm hiểu và theo đuổi nghề mình mong muốn. Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân.

Theo một số tài liệu về định hướng nghề nghiệp ở một số nước, Pháp định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ lớp 9; Mỹ làm công tác hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 11. Với dư thảo dạy hướng nghiệp cho trẻ Việt Nam từ bậc tiểu học, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu quan điểm của ông với RFA:

“Tôi là người tương đối theo cái giáo dục truyền thống. Mà giáo dục truyền thống của Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa đã hay, cứ theo đó mà làm. Việc sớm dạy cho trẻ em những nội dung có tính cách tài chánh, có tình cách làm giàu, có tính cách đấu đá, có tính cách tranh đua… là một sự rất tệ hại.

Theo tôi, ý tưởng dạy cho trẻ như vậy là ý tưởng của những người có tính cách cực đoan muốn đi tắt đón đường, làm cho trẻ mất đi cái hồn nhiên. Mà khi trẻ mất đi cái hồn nhiên thì tính nhân văn về cuộc đời trẻ sẽ bị tổn thương. Đây là một tổn hại cho gia đình và xã hội.”

Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại Khoa Đông Nam Á học, Đại học Mở TP.HCM nêu ý kiến của ông:

“Vấn đề học sinh tiểu học – từ 7 đến 14 tuổi – học cái gì, thì hơn 40 năm qua, giáo dục Việt Nam đã làm rất nhiều chuyện nhưng không có chuyện nào thành công, không có chuyện nào đến đâu cả. Một số nhà giáo dục học Việt Nam học ở Nga về thì lấy mô hình của Nga, học ở Pháp về thì lấy mô hình của Pháp, học ở Mỹ thì đem mô hình của Mỹ về mà không căn cứ vào cái khí chất của học sinh Việt Nam cũng như hoàn cảnh lịch sử và trình độ kinh tế của Việt Nam.

Cái mục đích cuối cùng của việc giáo dục học sinh trong nhà trường là cái gì thì hiện nay rất mơ hồ. Theo tôi, nền giáo dục của học sinh tiểu học miền Nam trước năm 1975 như thế nào thì cứ tiếp tục như thế, chắc chắn sẽ thành công.”

Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa dựa trên ba nguyên tắc là Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967.

Cái mục đích cuối cùng của việc giáo dục học sinh trong nhà trường là cái gì thì hiện nay rất mơ hồ. Theo tôi, nền giáo dục của học sinh tiểu học miền Nam trước năm 1975 như thế nào thì cứ tiếp tục như thế, chắc chắn sẽ thành công. – Ông Đinh Kim Phúc

Theo đó, Nhân bản là giáo duc coi con người là cứu cánh, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người; Dân Tộc là giáo dục tôn trọng giá trị của gia đình, quốc gia, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, đạo đức Việt Nam; Khai Phóng là giáo dục theo phương pháp khoa học, nội dung khoa học, theo đà tiến bộ của nhân loại và tôn trọng giá trị các quốc gia khác.

Từ năm 1976 tới nay, với việc ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau (1998, 2005, 2009), hệ thống giáo dục Việt Nam liên tục cải cách nhưng không dựa trên một hệ thống triết lý giáo dục nào. Mọi cải cách đều mang tính thử nghiệm nhằm áp dụng những yếu tố từ nền giáo dục của các nước phát triển vào nền giáo dục Việt Nam.

Trong những cải cách về giáo dục thì bậc tiểu học không là ngoại lệ. Trẻ ở độ tuổi tiểu học là giai đoạn chuyển tiếp từ thời thơ ấu sang thời niên thiếu. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ. Chương trình học của trẻ, sách giáo khoa của trẻ thay đổi liên tục những năm qua bị coi là những bước lùi trong giáo dục.

Related posts