Công khai minh bạch tài sản quan chức-“Nút thắt” của chính sách chống tham nhũng

Trong chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ kiểm soát tài sản quan chức, công chức là nội dung quan trọng; thế nhưng thực thi còn mang tính hình thức, thậm chí lãnh đạo cao cấp cũng không ‘gương mẫu’. Việc thực hiện không nghiêm đã tạo ra ‘nút thắt’ khiến hiệu quả chính sách “không như mong muốn”.

Hôm 17/8/2023 các báo nhà Nước đưa tin về kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương về ông Lê Đức Thọ, bí thư tỉnh uỷ Bến Tre, “vi phạm nghiêm trọng về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.” Theo đó, hành vi của ông này “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và cá nhân” và bị đề nghị Bộ Chính Trị xem xét kỷ luật trong thời gian tới.

Tin đồn trên mạng xã hội đã lan truyền rằng ông bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre có ‘cả nghìn tỷ gửi ở ngân hàng’, đó là chưa kể nhiều bất động sản ở nhiều nơi trong cả nước, rằng ông có bà vợ làm ở hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã bị kỷ luật vì lý do này…

Lâu nay, việc kê khai tài sản của đảng viên chủ yếu mang tính hình thức và chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp trong bộ máy nhà nước. Như vụ ‘lùm xùm’ lên tận Quốc hội hồi tháng 9/2017 liên quan đến khối tài sản ‘nhờ buôn chổi đót’ của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái rồi lại ‘chìm xuồng’ hay, gần đây nhất, hôm 10/8/2023, là ông phó chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang bị kỷ luật đảng vì “kê khai tài sản không trung thực”, bị cách chức phó bí thư chi bộ Thanh tra, nhưng biện pháp kỷ luật hành chính liệu sẽ có và như thế nào?

“Kê khai tài sản” là bắt buộc đối với cán bộ đảng viên lãnh đạo. Trong đó Đảng CS nhấn mạnh rằng nếu không trung thực kê khai với tổ chức sẽ là “vi phạm nghiêm trọng”. Và, trường hợp đảng kỷ luật ông bí thư tỉnh Bến Tre phơi bày ‘nút thắt’ trong chính sách. Ông này là một trong số gần 200 Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương (UVBCHTW) của Tháp tập quyền của chế độ đảng CS toàn trị, trong đó ở đỉnh tháp là ông Tổng bí thư, phía dưới là các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UVBCHTW. Cấu trúc quyền lực như vậy có từ thời Stalin trong mô hình toàn trị Xô-viết. Đặc điểm cơ bản của nó là quyết định tất cả, kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống xã hội, từ vận mệnh của quốc gia cho đến mỗi người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường vấn đề tham nhũng khiến Đảng ‘bị động đối phó’.

sach chong tham nhung cua ong trong.jpeg
Sách về chống tham nhũng của ông TBT Nguyễn Phú Trọng.

Ông bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, sinh năm 1970, là một trong số “cán bộ lãnh đạo chiến lược” của Đảng CS, nghĩa là họ là chỗ dựa không chỉ hiện tại mà cả tương lai của chế độ. Trong chủ trương củng cố “Đảng – Nhà nước trong sạch vững mạnh” đây là sự nỗ lực về công tác nhân sự đảng trong việc luân chuyển cán bộ, chuẩn bị cán bộ ‘nguồn’, không chỉ “còn tuổi” cho các nhiệm kỳ đại hội Đảng 14, 15… mà còn thể hiện năng lực lãnh đạo chuyên môn. Ông này từng có kinh nghiệm nhiều năm là lãnh đạo trong ngành ngân hàng. Đảng kỳ vọng các lãnh đạo chiến lược này sẽ lấp chỗ trống khi giới kỹ trị hiện thời bị coi là có nguy cơ thoái hoá cao khi “có quyền và gần tiền” và không chịu sự kiểm soát của Đảng. Tuy nhiên, như đã biết, trong tháng 7/2021 khi quyết định bổ nhiệm vị trí bí thư tỉnh, Đảng đã  đánh giá ông này “có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng” và sẽ “phát huy năng lực, dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh Bến Tre.” (Báo chí đã đưa tin công khai phát biểu của bà Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và hiện nay kiêm cả chức thường trực Ban Bí Thư). Bởi vậy, khi ông này “không trung thực” trước tổ chức về tài sản thực sự là cú sốc!

Theo ‘truyền thống cách mạng’, ‘lãnh trách nhiệm’ chống tham nhũng, coi đó là vấn đề ‘nội bộ’, Đảng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt với cam kết “không vùng cấm”, thậm chí ông Chủ tịch Nước đã buộc phải từ chức vì “trách nhiệm chính trị” để cho lãnh đạo cấp dưới tham nhũng nghiêm trọng, nhưng kết quả vẫn không đạt như ‘mong muốn’, các biểu hiện tham nhũng vẫn “phức tạp và tinh vi”, trong đó nguồn gốc tài sản quan chức lãnh đạo cấp cao là ‘hộp đen’ không thể giải mã, là ‘nút thắt’ trong chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

tô anh dung ra toa 1172023.jpeg
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cảnh sát dẫn vào tòa án để xét xử vụ chuyến bay giải cứu tại Hà Nội vào ngày 11/7/2023. AFP

Phần lớn giới lãnh đạo đảng đã hội tụ thành tầng lớp cai trị giàu có ‘không thể giải trình nguồn gốc chính đáng’ tài sản của họ. Mức độ giàu có tuỳ thuộc vào vị trí quyền lực, lĩnh vực họ quản lý và những thủ đoạn tham nhũng trắng trợn. Vụ đại án tham nhũng “chuyến bay giải cứu” được xét xử tương đối công khai đã cho thấy nhiều điều. Dù mới chỉ là ‘bề nổi’ qua khai nhận của các bị cáo quan chức đã cho thấy tài sản họ chiếm đoạt từ các nạn nhân từ đại dịch covid-19. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – 21,5 tỷ VNĐ; Cựu Cục trưởng Cục lãnh sự – hơn 25 tỷ; cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự – hơn 12,2 tỷ đồng; Cựu trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực – 2,5 tỷ; Cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế – Văn phòng Chính phủ -2,3 tỷ; Cựu thư ký Bộ trưởng Y tế –  42,6 tỷ… Ngoài ra, còn có nhiều bị cáo trong các lĩnh vực và vị trí quyền lực khác nhau đã nhận hối lộ khủng như cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), cựu Phó trưởng phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT), cựu chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT), cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, cựu Trưởng phòng 5 (Cục An ninh điều tra, Bộ Công an); cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cựu cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ… Tổng số bị cáo là quan chức, công chức trong vụ án này là 21 đã nhận hối lộ hơn 500 lần với số tiền hơn 165 tỉ đồng…

Tài sản của quan chức được ví như ‘hộp đen’ không thể giải mã! Tuy nhiên, nhờ xét xử công khai đại án mà công chúng biết mức độ ‘giàu có’ (do bị lộ) của các quan tham và khối tài sản do tham nhũng trắng trợn và mang tính hệ thống! Đây mới chỉ là một vụ và, tất nhiên, nếu ‘thoát’ thì số tiền tham nhũng sẽ khiến tài sản của họ tăng thêm! Và, không ai có thể biết rằng rằng với chế độ quan chức suốt đời, họ bằng các thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi, trắng trợn trong khi thi hành công vụ các quan tham sẽ giàu cỡ nào!

Trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi thị trường Đảng cần thay đổi cách tiếp cận với kiểm soát tài sản quan chức nếu muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả. Rõ ràng việc công khai, minh bạch tài sản quan chức đang là đòi hỏi cấp bách từ thực tế cần thực hiện thay vì trừng phạt, coi số quan tham, tổ chức đảng suy thoái bị kỷ luật hay bị truy tố là ‘thành tích’ hoặc  ‘kêu gọi’ họ tự giác rèn luyện, nêu gương đạo đức cách mạng. Cán bộ lãnh đạo chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu đó cũng là nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Công luận đang dõi theo sự nghiêm minh, trong sạch của Đảng không chỉ đối với trường hợp của ông bí thư tỉnh Bến Tre, mà hơn thế, coi đây là cơ hội để thiết kế và thực hiện một cơ chế công khai, minh bạch giải trình thực chất và hiệu quả sao cho xứng với niềm tin và sự ủng hộ của người dân!

Phạm Quý Thọ

(còn tiếp)

 *Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts