Đảng thừa nhận không đoàn kết?

Lo sợ chia rẽ hay thừa nhận mất đoàn kết?

Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) phát biểu khai mạc hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13 hôm 15/5/2023 đã yêu cầu không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ.

Tin cũng cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị, cũng tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như nhiều lần trước, lãnh đạo Đảng CSVN cũng không hề nói đến lá phiếu ‘không tín nhiệm’ mà dư luận quan tâm.

Nó chỉ thể hiện một điều rằng nội bộ đảng cộng sản nó cũng không thống nhất, cũng chia rẽ ,cũng chín người mười ý… Chứ không phải là thống nhất ý chí và hành động như họ vẫn thường tuyên truyền.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cựu cán bộ Tổng cục 2, nói với RFA quan điểm của ông hôm 19 tháng 5 năm 2023:

“Dưới góc độ của tôi, tôi thấy câu nói của Nguyễn Phú Trọng thể hiện một thực tế là bản thân nội bộ Đảng Cộng sản không thống nhất. Vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng phải cảnh báo, phải dọa. Chốt lại, nó chỉ thể hiện một điều rằng nội bộ đảng cộng sản nó cũng không thống nhất, cũng chia rẽ ,cũng chín người mười ý… Chứ không phải là thống nhất ý chí và hành động như họ vẫn thường tuyên truyền.”

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2 năm 2023 ban hành quy định cán bộ có từ 2/3 số phiếu ‘tín nhiệm thấp’ sẽ bị miễn nhiệm. Quy định mới này được nói để thay thế Quy định số 262 từ năm 2014 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước… Cụ thể, theo Quy định này, cán bộ có từ 2/3 số phiếu ‘tín nhiệm thấp’ sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang giữ và bố trí công tác khác thấp hơn, mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

825e009e-8e20-4e4d-9c44-f7e84faad0bf.jpeg
Ảnh minh họa: Một Kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội. AFP.

Lấy phiếu tín nhiệm có thực chất?

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết:

“Cũng như lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, Ban chấp hành trung ương cũng có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban bí thư… Thông qua việc lấy phiếu này, Ban chấp hành trung ương cũng sẽ có cơ sở để đánh giá các thành viên Bộ chính trị và Ban bí thư…”

Theo ông Lê Văn Cuông, việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ chính trị, cũng tương tự như việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội… là quy định chung của Việt Nam, tức là Trung ương hay Quốc hội cũng đều lấy phiếu giống nhau, với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Tôi thấy bản thân việc đưa ra mức tín nhiệm gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là đã không bình thường.
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí

Tuy nhiên, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm ở Việt Nam là không bình thường:

“Tôi thấy bản thân việc đưa ra mức tín nhiệm gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp là đã không bình thường. Thứ hai, hầu hết trong Quốc Hội đều là đảng viên Đảng Cộng sản, những người có chức có quyền, cho nên Quốc hội đó thực chất chỉ là một tổ chức của Đảng Cộng sản, gồm hầu hết là đảng viên Đảng Cộng sản. Cũng có thể coi Quốc hội là một Chi bộ của Đảng Cộng sản.”

Vì vậy theo Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội hay lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương với Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là đều không thực chất.

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, việc phân loại 2/3 miễn nhiệm, 50% từ chức… là không có căn cứ khoa học. Bởi vì tất cả đều là đảng viên Đảng CSVN trong chế độ độc đảng toàn trị, như vậy để đạt được 2/3 hay 50 % thì chắc chắn phải kéo bè, kết cánh để nhằm mục đích che mắt trong vấn đề thanh trừng chính trị mà thôi.

Một luật sư không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này, nhận định:

“Cách lấy phiếu tín nhiệm này khác hẳn các nước dân chủ. Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm nhưng chỉ có ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như thế, mặc nhiên các chức danh này đã có tín nhiệm. Mà đã có tín nhiệm thì đương nhiên các ông vẫn được giữ chức. Họ không có mức ‘không tín nhiệm’ để phế truất như những nước dân chủ. Dù Quốc hội trên danh nghĩa là do dân bầu, nhưng thực chất là do Đảng, bởi ứng cử viên là do Đảng đưa ra. Nhìn vào thành phần Quốc hội thì hết 95% là đảng viên, nên đây rõ ràng chỉ là Đảng bỏ phiếu cho Đảng thôi. Mà trong Đảng thì chắc chắn có phe phái đánh nhau.”

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội vào năm 2013. Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XI vào năm 2015, Đảng CSVN cũng đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Ban Chấp hành Trung ương đối với Uỷ viên Bộ Chính trị. Sau đó việc lấy phiếu tín nhiệm này lại được tổ chức ở Hội nghị Trung ương 9 vào năm 2018.

Related posts