Dự thảo về live stream vi phạm quyền tự do ngôn luận, thông tin!

Cơ quan chức năng Việt Nam bày tỏ ý định tăng cường quản lý các chương trình video trực tuyến (live stream) trên mạng xã hội. Thông tin  mới nhất liên quan mạng xã hội như thế bị nhiều nhà hoạt động xem là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người cơ bản, trong đó có quyền tự do biểu đạt và thông tin.

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin-Truyền thông (TT-TT) cho rằng hình thức thông tin trực tuyến theo thời gian thực có tác động ảnh hưởng nhanh đến xã hội, do vậy cơ quan này đề nghị bổ sung quy định về việc cấp phép cho người sử dụng mạng xã hội muốn phát video trực tuyến.

Đề nghị này được đưa ra trong dự thảo Nghị định thay thế cho hai quy định hiện hành: Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet & thông tin trên mạng, và Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72.

Vi phạm quyền tự do ngôn luận, thông tin

Bình luận về dự thảo nghị định quản lý hoạt động live stream, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email trong ngày 19/7:

Việt Nam đang cố gắng thực thi kiểm duyệt trước khi phát sóng đối với những người sử dụng Facebook và bằng cách đó, họ đang vi phạm trắng trợn tiền đề cơ bản của quyền tự do ngôn luận.

Tuyên bố của chính phủ rằng biện pháp này là để chống lại ‘tin giả’ là hoàn toàn vô nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ muốn kiểm soát mọi thứ mà mọi người nói trên Internet, và biện pháp này chỉ là một chiến thuật khác để theo đuổi mục tiêu áp đặt kiểm duyệt trực tuyến nghiêm ngặt như đài phát thanh, truyền hình và tài liệu in ấn ở Việt Nam.”

Một nhà hoạt động cổ xúy cho nhân quyền và dân chủ ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Việt Nam đang đi ngược lại những gì mình cam kết, không thực thi quyền con người mà Việt Nam đã ký, đã tuyên bố. Luật An ninh mạng đã vi phạm quyền con người, đến nghị định này còn tiếp tục vi phạm hơn nữa quyền tự do ngôn luận của nhân dân Việt Nam.

Nếu nghị định này được thực thi, người dân sẽ mất đi một phương tiện biểu đạt sống động, ý nghĩa và hiệu quả của những người tham gia mạng xã hội. Việc đưa sự thật, thông tin trung thực tới người dân và cộng đồng mất đi một kênh sống động và hiệu quả. Quyền biểu đạt của người làm livestream bị vi phạm nặng nề, quyền được thông tin của người xem cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Nhà bất đồng chính kiến JB Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, cũng có cùng nhận định như trên. Ông còn cho rằng ý định của nhà chức trách Việt Nam thể hiện sự kém cỏi của Hà Nội trong việc quản lý đất nước.

Theo tôi dự định đó (dự thảo nghị định- PV) là bước lùi của cái gọi là quyền dân chủ quyền tự do, và thứ hai là nỗi sợ hãi của nhà quyền Việt Nam trước việc phát triển nhanh chóng của mạng xã hội. Và điều đó thể hiện tư duy khi  không quản được thì cấm. Điều nữa thể hiện sự bất lực trước ý nguyện nhu cầu của người dân và cuộc sống.

Nói một cách khác, đó là sự thể hiện yếu kém, sự thất bại và cái sự kéo níu lại những tiến bộ xã hội đối với cả các tiến bộ mà đem lại lợi ích hạnh phúc cái nhu cầu của người dân. Đó là sự thể hiện một chính quyền chưa đủ tầm để quản lý xã hội hiện đại.”

Trong dự thảo nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng quy định buộc người phát live stream phải đăng ký với nhà chức trách là nhằm bảo vệ quyền lợi người dùng mạng xã hội vì trên các mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok đang tồn tại nhiều tin giả, tin xấu độc, thông tin bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân, tuyên truyền mê tín dị đoan, các nội dung vi phạm bản quyền…

Tuy nhiên, ông JB Nguyễn Hữu Vinh lại cho rằng tin giả độc hại chủ yếu đến từ bộ máy tuyên truyền của nhà nước độc đảng ở Việt Nam. Ông nói:

Theo tôi biết theo kinh nghiệm của tôi với 60 năm cuộc đời tôi sống trong lòng cộng sản thì những tin fake nhiều nhất đến từ hệ thống báo chí từ hệ thống loa truyền thông truyền hình rồi từ hệ thống của Đảng và Nhà nước. Còn những cái tin ở trên mạng xã hội mà những cái livestream và những cái trực tiếp như vậy đấy là cái mà để người ta loại trừ rõ ràng nhất những tin giả những cái không có thật.

Còn cái thông tin mà qua cái nhào nặn của ban văn hoá tư tưởng và báo đó mới là những tin fake đó là những tin nhào nặn theo sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và trong đó chứa đựng những sự giả dối.”

Ông cho rằng chính các chương trình livestream là công cụ thể hiện “người thật việc thật” còn biện hộ của nhà cầm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi người nghe chỉ là giả dối.

Còn những cái mà người ta nói trực tiếp trên mạng hoặc là người ta đưa tin trực tiếp là người ta gọi là người thật việc thật. Cái đó là cơ hội cho người ta chứng minh những điều đó là sự thật nó có ở chỗ nào.

Cho nên những giọng luận điệu rằng là để bảo vệ người tiêu dùng rồi là bảo vệ người dân thì đó là chiêu bài lừa bịp. Tôi nghĩ rằng chỉ những người ngây thơ thì mới tin vào những giọng điệu đó mà thôi!”

Ông Vũ Minh Trí, cựu sỹ quan của Tổng cục Tình báo Quân đội, cũng cho rằng lý do “bảo vệ người tiêu dùng” là không đúng. Ông bình luận qua tin nhắn gửi RFA:

Lâu nay, livestream đã là một hoạt động bình thường, phổ biến ở trên mạng xã hội. Cũng giống như mọi hoạt động khác của con người, bên cạnh mặt tích cực, nó có thể có mặt tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, các vi phạm đó hoàn toàn có thể bị xử lí theo pháp luật hiện hành. Để bảo vệ người tiêu dùng, cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vốn đã có từ lâu.

Nếu chính quyền thật sự muốn bảo vệ người dân và người tiêu dùng thì hãy xử lí nghiêm những toà báo, tổ chức, cá nhân… đã đưa tin xấu độc, tuyên truyền cho kit test Việt Á và những chuyến bay ‘giải cứu.’”

Ai là người chịu thiệt bởi yêu cầu đăng ký

Theo nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh, người cũng có chương trình Youtube hàng ngày cùng tên bình luận thời sự Việt Nam và quốc tế, quy định buộc người thực hiện việc phát video trực tuyến phải đăng ký với nhà chức trách sẽ ảnh hưởng không chỉ đến người thực hiện live stream mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.

Thứ nhất, nhu cầu của xã hội được biết sự thật, được truyền tải thông tin đúng thực tế nắm được những vấn đề đã xảy ra một cách kịp thời- thì  điều đó bị tước đoạt vì cái quy định này.

Thứ hai, những người kinh doanh, những người có nhu cầu truyền bá  thông tin của mình sẽ bị ảnh hưởng bằng những điều luật hết sức quái gở như là 117 nói xấu như là lợi dụng và tự do dân chủ…”

Một nhà bình luận chính trị ở Hà Nội, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:

Nghị định này ảnh hưởng lớn tới các chương trình livestream có yếu tố chính trị, vì mất đi tính thời sự và sống động. Đối với các kênh thông tin thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu phải xin phép sẽ lại đẻ ra yếu tố xin-cho, tạo điều kiện cho tham nhũng trong khi nhà nước đang phát động cả một cuộc chiến chống tham nhũng. Các chính sách như vậy của Việt Nam sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, không hiệu quả.”

Ông JB Nguyễn Hữu Vinh cho rằng yêu cầu đăng ký là “một cái sợi dây trong muôn vàn sợi dây đảng giăng ra để bắt trói người dân.” Ông dự báo:

Tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam sẽ còn giở những trò kiểu như thế này nữa và còn nhiều nữa nhưng mà càng giở ra những cái thứ đó thì nó chỉ càng nói lên cái sự bất lực của họ,  khả năng kém cỏi của họ trong vấn đề quản lý xã hội. Và một cái điều cơ bản nữa là họ đang đi ngược lại cái lợi ích của xã hội, ngược lại lợi ích của người dân, ngược lại lợi ích của đất nước và ngược lại cái xu hướng tiến bộ của cả thế giới.”

Nói về sự khả thi của yêu cầu này, chuyên gia về công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu từ Úc, cho RFA biết về phương diện kỹ thuật, Việt Nam khó có thể thực thi được việc buộc người dùng đăng ký chương trình livestream vì “Chính phủ Việt Nam không kiểm soát hệ thống của các mạng xã hội bên ngoài quốc gia. Cùng lắm thì họ yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ thông tin hoặc yêu cầu khoá tài khoản/xoá tài khoản như họ đã từng làm.”

Ông Vũ Minh Trí thì nói:

Dân gian có câu ‘Bưng được miệng chĩnh, miệng vò. Nào ai bưng được miệng o, miệng dì.’ Tôi tin rằng mọi hành vi đi ngược lại quyền tự do của người dân đều sẽ thất bại.”

Phóng viên có gửi email cho Facebook và Tiktok với đề nghị bình luận về yêu cầu mới này của Chính phủ Việt Nam, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Related posts