Trong khi hai nhà hoạt động Bùi Văn Thuận và Bùi Tuấn Lâm đang phải thi hành án tù dài hạn thì vợ con họ ở bên ngoài liên tục bị nhà chức trách địa phương sách nhiễu và gây khó khăn trong sinh nhai.
Công an kêu làm việc vì danh khoản Facebook giả
Bà Trịnh Thị Nhung, vợ tù nhân lương tâm (TNLT) Bùi Văn Thuận, bị công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá tra hỏi về một danh khoản Facebook Nhung Trịnh và lấy ảnh của chồng bà làm ảnh đại diện.
Sáng 16/2, công an phường Mai Lâm, nơi bà Nhung đang sinh sống cùng con nhỏ trong khi chồng đang thụ án tù 8 năm về tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước,” mời bà lên làm việc vào buổi chiều cùng ngày. Giấy mời do trưởng công an phường ký không ghi rõ nội dung làm việc.
Bà Nhung thuật lại buổi làm việc với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 20/2:
“Họ nói là họ phát hiện ra một tài khoản Facebook có avatar (ảnh đại diện-PV) giống anh Thuận chồng em và họ nghi ngờ là em sử dụng tài khoản Facebook đó để viết một bài viết chưa có tính xác thực.”
Bà Nhung cho biết trong buổi làm việc với sỹ quan an ninh của Công an thị xã Nghi Sơn tên Hoàng Anh, bà khẳng định bản thân không sử dụng danh khoản Facebook nêu trên.
Danh khoản này chỉ mới được lập vài ngày gần đây và có hai bài viết bịa đặt mang nội dung mà theo bà là “có thể bị xử lý theo Điều 331” về “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Khi công an yêu cầu khai báo thông tin cha mẹ và ký vào biên bản làm việc, bà từ chối vì thấy mình không liên quan gì đến danh khoản giả mạo kia.
Bà cho rằng việc Công an thị xã Nghi Sơn triệu tập lên làm việc gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà và gia đình.
“Em hi vọng là về sau sẽ không bị mời lên làm việc về những lý do chưa đủ thuyết phục. Nếu sự việc này tái diễn, em sẽ không lên làm việc.”
Bà cho biết trong thời gian năm ngày từ ngày 15/02, có nhiều người lạ mặt đến canh gác gần nhà cả ngày và đêm, và đi theo mỗi khi bà có việc đi ra ngoài.
Phóng viên gọi điện cho Công an thị xã Nghi Sơn để kiểm chứng thông tin bà Nhung cung cấp nhưng người trực điện thoại đề nghị phóng viên đến làm việc trực tiếp với lãnh đạo cơ quan.
Không rõ lý do vì sao bên phía cơ quan an ninh có hành động nêu trên đối với bà Nhung, tuy nhiên hồi năm 2023, thầy giáo Dương Tuấn Ngọc vài ngày trước khi bị công an tỉnh Lâm Đồng bắt với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” cũng bị mời làm việc để chứng minh danh khoản Facebook đang bán ma túy không phải là của ông, đồng thời xác thực danh khoản mạng xã hội ông đang dùng để đăng tải các bài viết, video…
Vợ TNLT Bùi Tuấn Lâm buôn bán nhỏ bị làm khó
Ông Bùi Tuấn Lâm, người được biết đến với biệt danh “thánh rắc hành” vì nhại theo “thánh rắc muối Salt Bae,” bị bắt ngày 07/9/2022 về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.” Năm sau, ông bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam. Hiện ông đang thi hành án tù ở Trại giam Xuân Lộc.
Hai vợ chồng trước đây có xe bán Bún bò Huế ở Đà Nẵng, tuy nhiên, sau khi ông bị bắt thì quán đóng cửa. Hiện nay để có tiền nuôi ba con nhỏ và thường xuyên tiếp tế cho chồng, bà Lê Thanh Lâm- vợ của ông phải bán hàng trực tuyến một số mặt hàng như rong biển, mít sấy, xì dầu đóng chai… Trên sản phẩm có dán nhãn ghi rõ “ủng hộ TNLT Bùi Tuấn Lâm.”
Ngay trước Tết Nguyên đán, ngày 02/2, khi đang giao hàng cho khách tại nhà, đội quản lý thị trường cùng công an thành phố Đà Nẵng ập vào và lập biên bản rồi thu giữ hàng hoá với giá trị khoảng hai triệu đồng vì “bán hàng lậu không hoá đơn.” Bà nghi ngờ công an và quản lý thị trường địa phương đã gài bẫy để thu giữ hàng hoá của mình.
Ngày 19/2, Đội quản lý thị trường số 2 mời bà lên làm việc và phạt hành chính số tiền 1,5 triệu đồng với hành vi trên.
Bà Lâm cho rằng nhà chức trách Đà Nẵng đang trấn áp bà và ba con nhỏ, như một viên công an đã chỉ vào mặt bà và nói “Tao sẽ không để mẹ con chúng mày được yên” trong ngày xét xử ông Bùi Tuấn Lâm.
Trong một bài viết trên trang cá nhân, bà khẳng định:
“Trong khi chồng tôi đang chịu tù tội vì dám lên tiếng về các vấn nạn, bất công của xã hội. Một án tù bất công dành cho người ngay. Chồng đi tù, gánh nặng gia đình dồn lên vai tôi, nuôi ba đứa con nhỏ, nuôi chồng trong tù. Tôi buôn bán nhỏ góp nhặt từng đồng.
Những món tôi bán chỉ là thực phẩm ăn vặt, những món đặc sản vùng miền của nông dân, những món ăn làm từ tay của những con người nghị lực dù bị liệt cả thân thể nhưng vẫn cống hiến cho đời, những đồng tiền từ mồ hôi công sức lương thiện và chân chính như bao người đàn bà khác vì gia đình, vì chồng vì con. Thế nhưng, họ không để tôi yên.”
Theo Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ sẽ bị coi là “hàng hoá nhập lậu.”
Theo Điều 15 của Nghị định này, việc kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Phóng viên gọi điện cho Cục Quản lý Thị trưởng Đà Nẵng theo hai số điện thoại của cơ quan này để hỏi về trường hợp của bà Lê Thanh Lâm, tuy nhiên không có ai nghe máy.