Nghịch lý giảm giá SGK nhưng không giảm cho học sinh mua sách!

Để chuẩn bị cho năm học 2024-2025, theo truyền thông nhà nước hôm 10/4/2024, các nhà xuất bản đã công bố chính sách giảm giá sách giáo khoa (SGK) so với trước đây, nhưng một số nhà xuất bản chỉ giảm cho tổ chức, hoặc sách mua tặng thư viện dùng chung, không giảm giá sách cho phụ huynh, học sinh…

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam khi thông báo giảm giá SGK bộ sách Cánh Diều năm học 2024-2025 cho biết sẽ hỗ trợ giảm 20% giá bìa đối với sở GD&ĐT mua sách Cánh Diều trang bị cho trường học hoặc các đơn vị khác mua sách tặng cho thư viện.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì thông báo điều chỉnh giảm giá bán SGK tùy theo bộ, dù giảm không nhiều nhưng không phân biệt người mua. Theo đó, bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; bộ SGK “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%…

Trao đổi với RFA hôm 10/4/2024 từ Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam, nhận định:

“Tôi nghĩ giảm giá mà có điều kiện như vậy thì chỉ là một hình thức quảng cáo thôi, chứ không phải là một sự ủng hộ chân thật gì đâu. Tôi thấy vấn đề SGK cho học sinh không thỏa đáng, nhất là những cuốn sách xuất bản bởi Bộ Giáo dục Đào tạo. Tôi nghĩ họ đã thay đổi nhanh quá và những cuốn sách của năm qua không được sử dụng lại, đó là những hình thức phung phí. Tôi muốn chuyện này phải sửa đổi và phụ huynh phải phản ứng, để làm thế nào gây sức ép, để ít tốn kém khi luôn phải mua sách mới.”

Tôi nghĩ giảm giá mà có điều kiện như vậy thì chỉ là một hình thức quảng cáo thôi, chứ không phải là một sự ủng hộ chân thật gì đâu.
-Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng

Còn Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường Trung học Phổ thông Thường Tín ở Hà Nội, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 4 năm 2024, liên quan vấn đề này thì cho rằng:

“Kể ra cũng kỳ lạ, đã giảm giá sách thì quan trọng phải giảm cho người mua là học sinh, đấy mới là kinh tế thị trường, mới là phục vụ cho người học. Giảm cho người bán cho nhà phân phối thì tác dụng gì đâu, hy vọng nhà phân phối sẽ bớt lại giảm cho học sinh. Thật sự với giá sách này thì với bà con nông thôn, nhất là bà con miền núi thì đúng là nó rất cao. Một bộ SGK đầy đủ nửa triệu đồng là một gánh nặng lớn đối với phụ huynh vùng nông thôn, miền núi.”

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, nếu có cách nào đó để thực hiện giảm giá SGK cho các khu vực nông thôn và miền núi để giá xuống một nửa thì có lẽ nhân đạo hơn. Tuy nhiên Thầy Khoa nói tiếp:

“Hy vọng nhà xuất bản giảm giá để hỗ trợ thì rất khó, nhà xuất bản nào cũng đặt lợi nhuận lên trên, thì không thể trông chờ họ. Phải có sự chỉ đạo từ phía chính phủ, có sự trợ giá nào đó từ phía chính phủ thì mới hy vọng được. Trước kia một đầu mối duy nhất là nhà xuất bản giáo dục độc quyền, là doanh nghiệp nhà nước, thì có thể giảm giá được, còn bây giờ khó mà có thể trông chờ ở nhà xuất bản tư nhân.”

f260fd15-6555-472b-b0ca-ea31f8cff1c1.jpeg
Quầy bán sách giáo khoa lớp 1. RFA.

Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào năm 2023 có báo cáo kết quả giám sát về đổi mới chương trình SGK, khẳng định, giá các bộ sách theo chương trình mới tăng 2 đến 4 lần giá SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2006… dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm SGK.

Một phụ huynh ở thành phố Hồ Chí Minh không muốn nêu tên vì lý do an toàn, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến:

“Mấy năm trước một bộ sách không mắc lắm vì nhà nước có trợ giá, bù lỗ. Còn mấy năm sau này hình như nhà nước không bù lỗ nữa. Nhưng mà nói gì thì nói chứ nhà nước đã ra quyết định thì rất khó thay đổi. Tôi nghĩ một nhà mà ba, bốn đứa đi học mỗi năm mua mấy bộ sách là rất mệt. Phải làm sao chứ nếu bốn, năm đứa cùng đi học mà phụ huynh phải mua mỗi đứa một bộ kể như mấy đứa lớn nghỉ học luôn.”

Một Đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Đồng Tháp vào tháng 11 năm 2023, trong phiên thảo luận liên quan đến sách giáo khoa đưa ra nghịch lý rằng càng xã hội hóa thì giá SGK càng tăng và không kiểm soát được.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, trả lời RFA khi đó cho rằng vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói như vậy là sai về nguyên tắc và sai về cơ sở pháp lý. Theo ông Dũng sai về pháp lý là dù xã hội hóa sách giáo khoa, nhưng nhà nước định giá, chứ không phải ai muốn bán bao nhiêu là bán.

Muốn hỗ trợ thì nhà nước buộc phải chi tiền ra, vì có những bộ SGK hoàn toàn là tư nhân, không thể buộc người tư nhân bỏ vốn ra kinh doanh mà bán lỗ.
-Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng

Trả lời RFA hôm 10/4/2024, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định:

“Sách giáo khoa ngày nay khác với ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa sách là của nhà nước chi tiền ra tổ chức in ấn viết lách. Còn bây giờ Nhà xuất bản giáo dục là nhà xuất bản quốc doanh, viết hai bộ sách giáo khoa trong số ba bộ, nhưng hoàn toàn trên cơ sở kinh doanh. Tức là không phải nhà nước chi tiền ra để làm, mà nhà xuất bản bỏ vốn ra làm, vì thế việc giảm giá phải cân nhắc về chính sách của họ, chứ không thể đòi hỏi ở họ cắt giảm giá như kiểu ngày xưa mà nhà nước chi tiền được.”

Theo PGS-TS Hoàng Dũng, đó là một sự khác biệt rõ ràng, người ta có thể chê bai cách làm tốt hay không tốt so với trước kia… nhưng trên nguyên tắc họ phải làm có lời. Ông Dũng nói tiếp:

“Muốn hỗ trợ thì nhà nước buộc phải chi tiền ra, vì có những bộ SGK hoàn toàn là tư nhân, không thể buộc người tư nhân bỏ vốn ra kinh doanh mà bán lỗ. Nhà nước muốn giảm giá thì nhà nước phải thuyết phục nhà xuất bản, không được thì phải bỏ tiền ra mua sách, sách 10 đồng muốn đề nghị bán 8 đồng thì nhà nước phải bù lỗ hai đồng, như vậy mới bảo đảm cho người kinh doanh có lãi.”

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy khi trao đổi với RFA trước đây cho rằng, sách giáo khoa trong hoàn cảnh ở Việt Nam là một loại sản phẩm đặc thù, dù giá tăng hay giảm thì phụ huynh vẫn phải mua sách. Do đó theo ông Vũ, cho phép các nhà xuất bản, dù nhà nước hay tư nhân, được thoải mái nâng giá sách mà hầu như không gặp phải sự sụt giảm về nhu cầu mua nào.

Để khuyến khích sự xuất hiện của nhiều bộ sách giáo khoa theo ông Vũ, chính quyền nên làm một bộ giáo trình khung rất cơ bản và với tiêu chí giữ nguyên giáo trình khung này trong ít nhất là 10 năm chẳng hạn. Giáo trình này nên được đăng công khai trên trang mạng của Bộ Giáo dục. Chi phí để làm giáo trình này từ ngân sách và nên tiết kiệm tối đa.

Related posts