Phỏng vấn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp về quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ lớn mạnh hơn thời gian qua có lợi cho hai nước ra sao, nhất là Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia?

TS. Hà Hoàng Hợp: Nền tảng của quan hệ quốc phòng Việt Nam – Ấn Độ là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước được thiết lập năm 2016. Trước đây quan hệ chính thức hai nước từ mức hợp tác toàn diện đến hợp tác chiến lược thì đã kéo dài được 50 năm rồi. Sớm hơn nữa thì quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã bắt đầu từ năm 1958. Một mối quan hệ rất lâu dài và rất bền vững.

Trước khi có sự kiện Ấn Độ tặng Việt Nam tàu hộ vệ Kirpan, hai nước đã có hợp tác quốc phòng khá nhiều, và mở đầu của sự hợp tác ấy bắt nguồn từ năm 1997, được chính thức hóa năm 2003. Hai nước có các hợp tác về quốc phòng trong một số lĩnh vực cụ thể như chia sẻ thông tin; giúp đào tạo tiếng Anh cho sỹ quan Việt Nam; có một dự án nhỏ là giúp huấn luyện tiếp cho nhóm thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam cách đây vài năm. Rồi rất nhiều những giao lưu quốc phòng, thăm viếng cảng, diễn tập quân sự chung…

Nhìn chung mà nói thì những hợp tác riêng trong lĩnh vực quốc phòng nó thỏa mãn các điều kiện của một quan hệ rộng lớn hơn, đó là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ đến nay đã được hơn 50 năm. Ông có nghĩ rằng, chưa bao giờ mối quan hệ giữa hai nước phát triển mạnh như bây giờ hay không, và vì sao?

TS. Hà Hoàng Hợp: Quan hệ hai nước Việt Nam và Ấn Độ ngày càng tốt hơn, chưa bao giờ có bước lùi. Trong khi quan hệ giữa Việt Nam với Nga hay Việt Nam với Trung Quốc đã có lúc có những bước lùi, đặc biệt là với Trung Quốc.

Cho nên có thể một cách nôm na là quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ năm nay tốt hơn năm trước, và năm 2024 sẽ tốt hơn năm nay. Việt Nam và Ấn Độ có thể đẩy mạnh hợp tác kinh tế, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa, phát triển thương mại song phương, phát triển giao lưu văn hóa, du lịch, giao lưu con người. Làm sao để người của hai bên thăm lẫn nhau không phải là vì kinh tế, mà thăm lẫn nhau để hiểu biết nhau về mặt văn hóa dẫn đến việc chia sẻ các lợi ích cũng như hiểu biết về mặt lịch sử, xã hội.

Diễm Thi: Mối quan hệ giữa Việt Nam có Ấn Độ có điểm đặc biệt như tiến sĩ vừa nêu, là chỉ có tiến chứ chưa bao giờ lùi. Xin ông giải thích thêm lý do?

TS. Hà Hoàng Hợp: Việt Nam nằm ở khu vực Đông dương có ảnh hưởng đến hai nền văn hóa lớn là văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Quốc. Nói đến văn hóa Ấn Độ thì lịch sử giữa Việt Nam và Ấn Độ chưa bao giờ xảy ra một xung đột gì về vũ trang hay chính trị, chưa từng có bất kỳ xung đột nào về lợi ích, về văn hóa hay là bang giao.

Một mối quan hệ như thế giữa hai nước thì nó chỉ có thể ngày càng tốt hơn chứ không thể đi lùi được. Trong thực tế có thể thấy quan hệ hai nước mỗi năm mỗi tốt hơn nhưng chưa được thúc đẩy thật nhanh như hai bên cùng mong muốn.    

Ít người để ý một vế rất quan trọng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam là ‘một tùy’. ‘Một tùy’ ở trang 24 sách trắng quốc phòng bản tiếng Anh có nghĩa là tùy theo tình hình cụ thể, Việt Nam có thể xem xét thúc đẩy phát triển và hợp tác quốc phòng đủ để phòng vệ và bảo vệ đất nước. Chữ “một tùy” này vô cùng quan trọng. – TS. Hà Hoàng Hợp

Diễm Thi: Cả Ấn Độ và Việt Nam đều bị Trung Quốc đe dọa chủ quyền, liệu Việt Nam có thay đổi chính sách quốc phòng “bốn không” để hợp tác với Ấn Độ nếu có xung đột quân sự với Trung Quốc hay không, thưa tiến sĩ?

TS. Hà Hoàng Hợp: Chính sách quốc phòng Việt Nam có thể nói gọn là ‘bốn không, một tùy’. ‘Bốn không’ là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Ít người để ý một vế rất quan trọng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam là ‘một tùy’. ‘Một tùy’ ở trang 24 sách trắng quốc phòng bản tiếng Anh có nghĩa là tùy theo tình hình cụ thể, Việt Nam có thể xem xét thúc đẩy phát triển và hợp tác quốc phòng đủ để phòng vệ và bảo vệ đất nước. Chữ “một tùy” này vô cùng quan trọng.

Cũng xin ghi chú, chính sách quốc phòng ‘bốn không, một tùy’ là chính sách quốc phòng thời bình mà thôi. Nếu có nguy cơ chiến tranh, Việt Nam sẽ nhấn mạnh “một tùy”. Mà cái thực hành ‘một tùy’ này có thể phủ nhận ‘bốn không’ kia. Bởi nếu Việt Nam bị tấn công, bị xâm lược thì Việt Nam đương nhiên phải bằng mọi cách chống lại bên xâm lược, không thể bám chặt cái ‘bốn không’ kia nữa.

Diễm Thi: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ có góp phần thúc đẩy ổn định trong khu vực hay không, theo nhận định của ông, thưa tiến sĩ?

TS. Hà Hoàng Hợp: Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ nó góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực theo các lĩnh vực sau.

Thứ nhất là hợp tác an ninh và quốc phòng: Việt Nam và Ấn Độ thường xuyên hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và quốc phòng từ 50 năm qua rồi. Trong đó có việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc kiểm soát biên giới, quản lý biển đảo, quản lý không phận và đảm bảo an ninh khu vực cả trên đất liền lẫn ngoài biển đông.

000_XP7UM.jpg
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại New Delhi vào ngày 24 tháng 1 năm 2018. AFP

Thứ hai là giúp nhau giải quyết các tranh chấp: Hai quốc gia thường thảo luận và tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp trong khu vực. Có nghĩa là Ấn Độ có thể trao đổi với Việt Nam các cách để xử lý các tranh chấp trong khu vực dựa trên cơ sở đàm phán song phương, đa phương. Việt Nam nghe Ấn Độ chia sẻ các giải pháp hòa bình cho việc tranh chấp hay xung đột ở biên giới Trung – Ấn hay giữa Ấn Độ và Pakistan.  

Sự hợp tác này góp phần mở ra các hướng giải quyết các xung đột, các mâu thuẫn, các tranh chấp nhằm tránh xung đột. Từ đó duy trì ổn định ở cả Đông Nam Á, cả Biển Đông lẫn phía Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan.

Thứ ba là hợp tác kinh tế và thương mại: Việt Nam và Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Sự tăng cường này tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cả hai nước, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và giảm thiểu rủi ro mối quan hệ địa chính trị.

Thứ tư là hợp tác văn hóa và nhân dân: Quan hệ nhân dân và văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần vào hòa bình và ổn định. Trao đổi văn hóa, du lịch và hợp tác giáo dục giúp thúc đẩy sự hiểu biết giữa các cộng đồng hai nước. Trong thế kỷ 16, 17 đã từng có những cộng đồng rất mạnh từ Ấn Độ đến Việt Nam để làm ăn. Sau này do điều kiện lịch sử thì họ không còn ở lại nhiều. Cho nên việc hợp tác giao lưu nhân dân và văn hóa giữa hai nước với chiều hướng như hiện nay, với tác động địa chính trị như hiện nay hứa hẹn sẽ có sự thúc đẩy tốt hơn ngay trong năm nay và từ năm nay trở đi.     

Còn thách thức đối với quan hệ Việt Nam – Ấn Độ thì trước hết phải nói đến sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó tác động lớn đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và tác động một phần đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ, vì Ấn Độ có lợi ích trong tuyến đường giao thông sầm uất bậc nhất thế giới qua biển Đông. – TS. Hà Hoàng Hợp

Thứ năm là hợp tác trong diễn đàn quốc tế: Cả Việt Nam và Ấn Độ đều tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế như ASEAN, East Asia Summit, APEC, CPTPP, BRICS, hay quan hệ ba bên Việt Nam – Ấn Độ – Liên minh Châu Âu … để thúc đẩy quy tắc luật pháp quốc tế và định chế hòa bình, ổn định.

Thứ sáu là hỗ trợ phát triển cộng đồng: Hai quốc gia cùng hợp tác trong các dự án hợp tác phát triển tại các quốc gia trong khu vực, giúp tăng cường năng lực và phát triển bền vững cho các quốc gia nhỏ và đang phát triển. Đặc biệt là Ấn Độ cùng với Việt Nam có kế hoạch rất cụ thể để giúp cho Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Lào… Hy vọng với sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ thì hai nước sẽ hợp tác tốt hơn nữa trong việc hỗ trợ phát triển cộng đồng. Không chỉ cộng đồng Việt Nam hay cộng đồng Ấn Độ mà còn cộng đồng các nước xung quanh.      

Diễm Thi: Vấn đề Biển Đông đặt ra những thách thức nào cho cả hai phía, Việt Nam và Ấn Độ, thưa tiến sĩ?

TS. Hà Hoàng Hợp: Thách thức ở đây là thách thức kèm theo cơ hội. Chứ thực ra thì giữa Việt Nam và Ấn Độ, những thách thức để dẫn đến suy giảm niềm tin chiến lược hay suy giảm mối quan hệ thì gần như là không có. Còn thách thức đối với quan hệ Việt Nam – Ấn Độ thì trước hết phải nói đến sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Nó tác động lớn đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và tác động một phần đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ, vì Ấn Độ có lợi ích trong tuyến đường giao thông sầm uất bậc nhất thế giới qua biển Đông. Ấn Độ bắt buộc phải đóng góp vào để duy trì, để đảm bảo an ninh hàng hải và tự do đi lại ở Biển Đông.

Đấy là một cái mặt mặc dù không lớn nhưng nó là một vấn đề của lợi ích quốc gia của Ấn Độ ở Biển Đông. 

Ở đây có thể thấy, an ninh biển và hòa bình là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để hai nước cùng hợp tác với nhau trong việc xử lý các vụ việc an ninh biển. Và tình hình bất ổn định trong khu vực có thể tạo thách thức thúc đẩy hai nước hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để duy trì an ninh và hòa bình trong khu vực Đông Nam Á nối liền Ấn Độ Dương.

Một thách thức nữa là quản lý tài nguyên và môi trường. Hai nước cần thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí, cá biển và môi trường biển ở thềm lục địa của Việt Nam. Đấy là cụ thể nhất. Việc quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước.

Diễm Thi: Cám ơn tiến sĩ đã dành thời gian cho RFA.

Related posts