Quan hệ Việt Úc và ông Châu Văn Khảm

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng úc Anthony Albanese tới Việt Nam hôm 3-4/6/2023, Dân biểu Úc Đài Lê (tên Việt Nam là Lê Trang Đài) chia sẻ với RFA về những cố gắng của Chính phủ Úc cũng như cá nhân bà với tư cách là Dân biểu Úc trong việc vận động Chính phủ Việt Nam đồng ý đưa một tù nhân chính trị người Úc gốc Việt là Châu Văn Khảm về lại Úc, cũng như về tương lai quan hệ giữa Úc với Việt Nam và Đông Nam Á. 

RFA. Trong chuyến thăm của Thủ túc Úc Anthony Albanese tới Việt Nam từ 3-4/6/2023, vì sao ông ấy chưa thành công trong việc vận động phía Việt Nam thả ông Châu Văn Khảm, một tù nhân chính trị người Úc gốc Việt, trong khi đó thành công việc vận động Chính phủ Việt Nam ân xá hai tử tù, cũng người Úc gốc Việt khác?

Dân biểu Đài Lê: Để trả lời từ góc độ của tôi với câu hỏi là tại sao Thủ tướng Úc chưa thể đưa ông Châu Văn Khảm trở lại Úc, tôi nghĩ bạn nên chuyển câu hỏi đó cho ông Thủ tướng. Tôi không biết tại sao ông ấy lại không làm được. Theo hiểu biết của tôi từ các phương tiện truyền thông, ông ấy chưa đưa bất kỳ ai trở lại Úc. Trong chuyến thăm đó, ông ấy giúp cho hai tử tù người Úc gốc Việt được ân xá khỏi án tử hình. Họ vẫn bị giam giữ ở Việt Nam, họ chỉ thoát khỏi án tử hình. Một lần nữa, theo hiểu biết của tôi, là có rất ít người Úc gốc Việt hiện đang bị án tử hình ở Việt Nam. 

Về phần ông Châu Văn Khảm, vâng, ông là một tù nhân chính trị. Và như quý vị có thể biết, tôi là quan chức nước ngoài đầu tiên từ Úc, được Chính phủ Việt Nam cho phép gặp ông Khảm vào đầu năm 2023. Vì vậy, tôi rất cảm ơn ông Tổng Lãnh sự của Việt Nam đã giúp cho tôi thực hiện được chuyến thăm đó, và nhờ vậy tôi đã có thể gặp mặt trực tiếp ông Khảm tại nơi ông ấy bị giam giữ.

Đại diện hợp pháp của ông Khảm, tức người nhà của ông ấy, thông qua đại diện pháp lý của ông ấy, đã liên hệ với văn phòng của tôi khi tôi đắc cử Dân biểu Hạ viện Úc. Chính nhờ tư cách là dân biểu của tôi mà Chính phủ Việt Nam đã cho phép tôi đến thăm ông ấy. Tôi đã gặp ông Khảm tất nhiên không phải một mình mà trong bối cảnh chính thức với các quan chức cấp cao ở Việt Nam. 

Tôi thấy ông Khảm ở trong tình trạng tốt. Ông ấy trông khỏe mạnh. Ông ấy nói rõ ràng là trong thời gian ở tù, ông ấy tập thể dục, dành thời gian cho thiền định rất nhiều. Tôi nghĩ ông ấy theo đạo Phật. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Khảm và tôi rất vui khi thấy ông ấy ở trạng thái tốt. 

Đối với tôi, vai trò của tôi là chuyển tiếp tin nhắn từ vợ ông ấy và trình bày một lá thư mà vợ ông ấy viết để gửi cho chồng. Và tôi đã làm điều đó. Tôi đã nói với ông ấy rằng tôi sẽ cố gắng hết sức với tư cách là một thành viên độc lập và là một thành viên dân cử của Quốc hội để tiếp tục vận động cho việc trả tự do sớm cho ông ấy.

RFA. Dường có một sự khác biệt trong nhận thức giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về trường hợp ông Châu Văn Khảm. Đối với Chính phủ Việt Nam, ông Khảm là “khủng bố”, đến Việt Nam để “chống phá Nhà nước”. Lý do là ông ấy là thành viên của tổ chức Việt Tân ở Mỹ, một tổ chức mà phía Việt Nam cho là “khủng bố.” Còn về phía Úc thì Việt Tân là một tổ chức ở Mỹ và cũng chưa có tòa án nào ở Mỹ kết án tổ chức này là “khủng bố” cả. Theo bà, làm cách nào hai phía Việt Nam và Úc vượt qua được sự khác biệt này?

Dân biểu Đài Lê: Rõ ràng là tôi không có vai trò bình luận về cách diễn giải của Chính phủ Việt Nam hay Hoa Kỳ về một tổ chức. Đó không phải là vai trò của tôi với tư cách là một thành viên dân cử của Quốc hội Úc. Nhiệm vụ của tôi là đưa ra các vấn đề với chính phủ Úc của chúng tôi hoặc với các chính phủ khác. Với trường hợp của ông Khảm, mặc dù ông không thuộc đơn vị bầu cử của tôi nhưng ông thuộc cộng đồng người Úc gốc Việt và vì vậy tôi đã được những người liên quan tiếp cận. Do đó, vai trò của tôi với tư cách là một thành viên dân cử của Quốc hội là viết thư cho Chính phủ Việt Nam để cố gắng làm sao cho họ cho ông ấy một cơ hội công bằng để thực sự được lắng nghe và có thể nói chuyện với một người như tôi. 

Còn việc Chính phủ Việt Nam làm gì với chính sách của họ, họ đối xử với các tổ chức quốc tế và các nước khác như thế nào, đó là đặc quyền của họ. Vì vậy, đối với chúng tôi, với tư cách là người Úc, tôi muốn đảm bảo rằng người Úc gốc Việt ở Việt Nam được bảo vệ, có khả năng tự do đi lại và kinh doanh, và trong trường hợp của ông Khảm, là mong muốn có thể vận động để ông được trả tự do, được đưa trở lại Úc, để ở với gia đình ông ấy. Đó thực sự là trọng tâm trong mối quan tâm của tôi về ông Khảm, chứ không phải là các vấn đề chính trị của ông ấy, những gì ông ấy đã làm, hoặc những gì người Việt Nam làm.

RFA. Trong tương lai Chính phủ Úc cũng như cá nhân bà có kế hoạch gì để nói chuyện với Chính phủ Việt Nam để đưa ông Khảm trở lại Úc hay không? 

Dân biểu Đài Lê: Tôi chắc chắn đang nỗ lực hết sức để nói chuyện một chút với Chính phủ Úc vì ông Khảm đáng lẽ phải được đưa trở lại thông qua Chương trình Trao đổi Tù nhân Quốc tế (International Prisoner Exchange program) và chương trình trao đổi đó cũng phải được thực hiện với sự phối hợp của chính phủ tiểu bang là bang New South Wales. Có những quy cách nhỏ để điều hướng giữa cấp Liên bang và cấp tiểu bang ở Úc. Chúng tôi đang nói về chính phủ của chúng tôi ở đây thực hiện tất cả công việc cần thiết của việc đàm phán đã thực hiện liên quan đến ông Khảm. Hiện tại, chúng tôi đang chờ phía Chính phủ Úc tạo điều kiện và giúp đỡ để biến điều đó thành hiện thực. Bây giờ công việc của chúng tôi là làm sao bảo đảm đưa được ông ấy được trở lại Úc.

RFA: Đó có phải là lý do tại sao bà viết trong email gửi cho một đại diện ở RFA rằng “Tôi tin rằng các vấn đề đang nằm ở phía chúng tôi”?

Dân biểu Đài Lê: Vâng, nghe này, tôi tin rằng vấn đề nằm ở phía chúng tôi và tôi hiểu rõ ràng là có những vấn đề phức tạp hoặc tương đối phức tạp trong Chương trình Trao đổi Tù nhân, những vấn đề phức tạp ở cấp liên bang quay trở lại cấp tiểu bang New South Wales. Tất cả những vấn đề phức tạp liên quan đến chính quyền bang phải được giải quyết. Rõ ràng, đó là một vấn đề liên quan đến an ninh. Vì vậy, có rất nhiều biện pháp an ninh phải được kiểm tra và tất cả những thứ đó phải xong thì tôi mới có thể tiếp tục.

RFA: Úc đang thảo luận với Việt Nam về kế hoạch nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tại sao Úc có bước đi này? Và theo bà, liệu ông Khảm có cơ hội được trao cho phía Úc trong bối cảnh hai nước đang thảo luận một kế hoạch như vậy không? 

Dân biểu Đài Lê: Nhìn này, tôi tin rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất thú vị về địa chính trị, mối quan hệ gắn kết giữa Úc và các quốc gia khác nhau, đặc biệt là quanh khu vực. Tôi nghĩ rằng là Úc đang đứng ở nơi chúng ta đang đứng. Chúng tôi nhất định phải gắn kết với các quốc gia Đông Nam Á vì chúng tôi là quốc gia gần gũi nhất với các quốc gia Đông Nam Á. Và chúng tôi cần xây dựng mối quan hệ tốt hơn vì an ninh của khu vực chúng tôi trong tương lai. 

Vì vậy, tôi nghĩ điều rất quan trọng là đảm bảo rằng chúng tôi có mối quan hệ đó với Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, tất cả những nước đó. Tôi nghĩ rằng đó là một bước tiến tuyệt vời. Nếu chúng ta xem xét vấn đề an ninh khu vực của mình, chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta rất kết nối và gắn kết với khu vực đó. 

Tôi không biết chi tiết rõ ràng những gì bạn nói về bước tiếp theo của sự gắn kết của chúng tôi với Việt Nam, nhưng tôi hy vọng rằng mối quan hệ đó cũng là thuộc về mối quan hệ của chúng tôi với các quốc gia ASEAN, mà chúng tôi cần thực hiện cùng với các nước khác trong khu vực, để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người trong khu vực.

Xin cảm ơn bà Dân biểu Đài Lê đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.

Related posts