Đà Nẵng: Đất canh tác “bỏ hoang” do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác đá

Trong 10 năm qua, trên địa bàn thôn Phước Thuận và Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng có đến tám mỏ khai thác đá hoạt động.

Vào hai năm trước, nhiều mỏ đã hết hạn khai thác theo quy định, nhưng các đơn vị khai thác đến nay vẫn chưa cải tạo phục hồi môi trường, hoàn thổ theo quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến nông nghiệp của các hộ dân nơi đây. Nhiều người dân sống tại khu vực trên không muốn nêu tên cho biết:

“Do núi này ngày xưa họ bới mìn, họ lấy đá trong đất đỏ nên mỗi đợt mưa về thì đất xuống nhiều lắm. Mấy năm đầu họ còn làm đất đỏ lút lên, cây bị bó đất bùn lâu nên nó không phát triển, họ làm không được nữa nên không làm.

Hoặc cày máy tầng cạn mà dưới này là trần bùn nâu đất đỏ là cày không được, không trâu bò nào cày hết, làm không được nên họ bỏ.”

“Ở đây nói đúng là khó khăn đó. Đất họ bồi đắp là làm không được, còn các doanh nghiệp đóng cửa không làm coi như buôn bán cũng thất nghiệp, không làm được.

Nội thôn mình là mười mấy mẫu, còn xóm trên nữa, cũng chừng mấy chục mẫu.

Mấy cây khác trồng không được, đất không cải tạo được. Giờ mưa thì đất sình, mà nắng cuốc lên cục đất cứng như cục đất sét, có cả sạn cả đá.” 

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên đất, mà còn đánh vào kinh tế người dân hai thôn Phước Hậu và Phước Thuận, khi hầu hết đất sản xuất của họ rơi vào tình trạng “có cũng như không”.

Nhiều người tiếc nuối khi đứng nhìn mảnh đất canh tác nuôi sống gia đình bị bỏ trống vô ích trong nhiều năm qua:

“Lâu lắm rồi, 15-20 năm rồi. Tôi làm ruộng ít lại, giờ trên đó 3-4 sào bồi lấp hết, không cải tạo lại nên tôi bỏ, còn dưới đây làm mấy luống đủ ăn, sống qua ngày.

Lãng phí chứ sao mà không lãng phí. Ruộng tôi làm mà giờ bỏ đó thì lãng phí chứ sao không.”

Trong khi đó, nhiều người không dư dả đất để có thể tiếp tục nghề nông đành phải chọn những ngành nghề khác để mưu sinh:

“Trẻ trẻ đi làm công nhân, già thì ở nhà.”

“Nguyên nhân do mấy mỏ đá, giờ họ không làm, họ bỏ đi coi như dân thất bại hoàn toàn, công nhân không có việc làm, buôn bán không được, ruộng nương tới mùa tới năm cũng không đền được đồng nào.” 

Đất ruộng hai thôn Phước Hậu và Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.
Đất ruộng hai thôn Phước Hậu và Phước Thuận, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Theo số liệu được báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải trên website vào đầu tháng 2/2023, những mỏ khai thác đá và các đơn vị khai thác chỉ hỗ trợ người dân mỗi vụ mùa 1,5 triệu đồng trên 500m2 đất nông nghiệp.

Theo chia sẻ của bà con hai thôn Phước Thuận và Phước Hậu, số tiền bồi thường ấy không thấm vào đâu so với những tổn thất mà họ phải chịu đựng:

“Năm đầu hắn đền theo sào, hắn tính ra mấy tạ lúa rồi quy ra cứ hằng năm sau khi thu hoạch xong những đồng khác thì hắn đền bù cho dân, nhân theo diện tích đền bù.

Hắn quy ra một sào là ba hay hai tạ lúa, mỗi tạ bao nhiêu nhân lên, mà họ cũng nghỉ lâu rồi, chắc cũng hơn 10 năm rồi không đền.

Hồi trước cứ một năm nhà máy kêu đền mấy mươi năm, sau xã can thiệp vô kêu đền mấy mươi năm rồi họ lấy tiền đó về họ tiêu rồi họ đói, phải đền hàng năm thì họ mua lúa ăn, nhiều gia đình cũng khó khăn nên phải đền từng năm một. Thế rồi họ còn làm thì họ còn đền, họ hết làm thì họ nghỉ đền.”

“Công ty làm bồi lấp họ đền một sào máy trăm, giờ công ty đi rồi họ bỏ luôn, mình không có đồng bạc nào.”

“Đất coi như họ không làm là không đền bù luôn, còn nếu làm thì đền bù. Ví dụ như một sào được đền bù cỡ 600 thì họ đền hai vụ cũng được 1,2 triệu.

Chính quyền địa phương kêu giờ nhà nước không cho công ty, không cấp giấy phép làm rồi thôi chứ lấy gì họ đền? Họ có làm họ mới đền cho mình, họ có làm, có đầu tư mới có lời lãi chứ giờ họ đóng cửa đi, năm họ không thu được một đồng nào lấy gì họ đền bù cho mình?” 

Truyền thông Đà Nẵng mới đây (21/4/2023) xác nhận có 130 hecta đất sản xuất nông nghiệp của người dân hiện không sử dụng được. Nguyên nhân được nói, do đất ruộng bị bồi lấp toàn sỏi đá khiến người dân không thể canh tác và do nguồn nước nơi đây bị mất vì ảnh hưởng của các đơn vị khai thác đá.

“Giờ cải tạo thì làm gì được, làm gì nổi? Nước nôi đâu mà cải tạo? Trên núi họ lên khai thác, làm rừng, họ xin giấy phép kinh doanh xã cấp cho thì họ đem xe lên ủi, lấp, mạch nước mất hết, không thể có nước, có làm nước cũng không xuống.”

Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng được báo nhà nước dẫn lời cho biết sẽ yêu cầu những doanh nghiệp khai thác đá khẩn trương chi trả số tiền còn nợ hỗ trợ dân.

Ngoài ra, đại diện Sở TN&MT cũng nói sẽ kiến nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét không hoàn trả lại hơn 844 triệu đồng số tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trong trường hợp những doanh nghiệp này cố tình không chi trả, thay vào đó sẽ dùng số tiền trên để hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng.

Related posts