Sơ thẩm các đại án tham nhũng: Càng xử càng thấy tư pháp cần phải độc lập

Quan điểm chống tham nhũng “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”, như hệ quả, khiến cho “tiêu chuẩn kép” bị áp đặt trong xét xử các vụ án. Khái niệm tiêu chuẩn kép ngụ ý rằng “hai thứ giống nhau được đo lường bằng các tiêu chuẩn khác nhau”. Chế độ Đảng Cộng sản lãnh đạo không do người dân lựa bầu chọn trực tiếp nên phải dựa vào và duy trì bộ máy đặc quyền, đặc lợi để toàn trị, nghĩa là quan chức của hệ thống chính trị là ‘người của chế độ’ nhưng người dân bình thường thì không. Và, sự phân biệt trong xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng gần đây có hai loại đối tượng quan chức và người dân, điển hình như các đại án ‘AIC’ và ‘chuyến bay giải cứu’, trong đó các doanh nhân bị buộc phải đưa hối lộ để đổi lấy đặc ân và các quan chức lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ. Sự thành kiến chính trị và thiên vị về luật pháp đã xẩy ra theo hướng những bị can từng là quan chức chế độ Đảng – Nhà nước đã áp dụng mức án ‘nhẹ’ hơn khiến dư luận bức xúc.

Trong xét xử sơ thẩm vụ án đại án ‘chuyến bay giải cứu’, bắt đầu từ ngày 11/7/2023 vừa qua, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát (VKS) có nêu rằng trong bối cảnh do đại dịch COVID-19 gây ra, một số lãnh đạo, cán bộ đã lợi dụng chính sách của Đảng để trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp nâng giá vé máy bay để có ‘phí’ bôi trơn, phải đưa hối lộ. Tuy nhiên, đến ngày 22/7 VKS đã công bố bản luận tội đối với các bị can và đề nghị mức án với 54 bị cáo… và công luận đã không bất ngờ.

Sự tương phản qua lời khai của hai nhóm bị can, các chủ doanh nghiệp và quan chức, trước toà bộc lộ họ là ai và, hơn thế, khiến công luận bức xúc. Trước hết, các bị cáo – chủ doanh nghiệp đều kêu rằng họ là “nạn nhân của ‘văn hóa phong bì’”, bị ép đưa tiền liên tục, phải chi 150 triệu đồng mới được ‘đóng dấu’, “được đồng ý tạo điều kiện nhưng phải chi tiền tỷ…”, bị ép buộc phải đưa hối lộ với mức giá có thể bị ‘lỗ’, phải đưa tiền đến khi có thông tin bị khởi tố… Trong khi bị can – các quan chức khai, rằng không phân biệt được việc nhận “cảm ơn” với hành vi phạm tội, nhận “quà cảm ơn” hàng chục tỷ nhưng… “không mở ra xem”, “tôi ngu thì phải chịu, thương người thì phải chịu”, “tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả”… Bị can này còn vô liêm sỉ khi nhắc lại lời từng nói với vợ mình: “Em chuẩn bị ba tỷ và anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về”…

Theo giới quan sát, ‘tiêu chuẩn kép’ cũng từng được áp dụng trong xét xử vụ án tham nhũng của quan chức tỉnh Đồng Nai có liên quan đến việc trúng thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh của Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC Group). Vụ án vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn khi một số CEO của AIC, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, đã kịp bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Dư luận không được chứng kiến sự đối chất giữa các bị cáo của bên đưa và bên nhận hối lộ, nhưng theo bản luận tội của VKS rằng bà Nhàn có vai trò “chủ mưu” đã phải nhận mức án 30 năm và các mức án của các CEO khác của AIC nữa cũng cao hơn nhiều so với mức án mà các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải nhận… Công luận cũng từng bị bất ngờ trước hành vi của một vị thẩm phán trong vụ án xét xử cực chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Khi phiên toà kết thúc vị thẩm phán này bước xuống từ bàn chủ toạ đã ‘bắt tay và an ủi’ bị cáo – cựu Chủ tịch Hà nội!

Sự phân biệt trong xét xử và quan niệm đạo đức trong các vụ án tham nhũng khiến cho vụ việc có thể thêm nghiêm trọng. Việc áp đặt tuỳ tiện, công khai các tiêu chuẩn kép luôn bị lên án là tiêu cực vì nó thường chỉ ra sự hiện diện của hành vi đạo đức giả, thiên vị hoặc bất công. Vì vậy, nó không chỉ làm giảm đi ý nghĩa răn đe, giáo dục đối với các bị cáo và, hơn thế, mà còn gây tổn hại tính hiệu quả của chính sách phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung.

Ngày càng có nhiều ý kiến đề xuất cải cách ngành tư pháp hiện nay. Với chủ đề có liên quan, trong phiên thảo luận tại nghị trường về báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao diễn ra ngày 29/3/2021 được truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin về ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chẳng hạn, ông Trương Trọng Nghĩa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thực tế xét xử hiện tại cho thấy nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh luận tại tòa chưa được áp dụng triệt để. Bà Nguyễn Thị Việt Nga của đoàn Hải Dương đã bày tỏ sự ‘đau xót’ khi niềm tin của nhân dân bị một số quan chức biến chất làm xói mòn và hậu quả này còn lớn hơn những thiệt hại kinh tế…

Mới đây, ngày 11/7/2023 Bộ Chính trị Đảng CS Việt Nam vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó một số hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, các hành vi “chạy chức, chạy quyền” và hành vi tiêu cực khác đã được liệt kê. Các nhà quan sát chính trị trong nước cho rằng đây cũng nên coi là ‘bước tiến’ trong môi trường chế độ Đảng CS đứng trên và lãnh đạo Nhà nước và, như nhiều quy định khác của Đảng, khó khăn trong thể chế hoá khiến tính khả thi bị hạn chế. Liệu các điều tra viên, công tố viên có thể dựa vào đó để điều tra hay luận tội thay cho các văn bản luật pháp hay không?

Độc lập tư pháp ở Việt Nam là con đường dài phía trước. Đảng CS không thể đưa ra mục tiêu tư pháp độc lập với đảng trong lộ trình cải cách nhưng thực tế chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường đang đặt ra vấn đề này. Sự phức tạp, tinh vi của các hành vi ‘trục lợi’, tham nhũng ngày càng phơi bày không chỉ những bất cập thể chế nói chung, đặc biệt là cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả, mà còn bộc lộ sự yếu kém về năng lực quản lý, thiếu chủ động của ngành tư pháp, từ khâu tổ chức đến cán bộ của ngành, khiến cho xã hội và chế độ thêm bất ổn.

Đông đảo công luận trong nước dõi theo và cảm nhận những gì diễn ra tại phiên sơ thẩm vụ ‘chuyến bay giải cứu. Sự bức xúc của họ như thế nào không phải là điều quan trọng duy nhất, mà hơn thế, họ quan tâm đến sự công bằng, toà xử đúng người đúng tội, bình đẳng trước pháp luật chứ không phải Toà phải cố thực hiện bằng được nhiệm vụ chính trị hay sự chỉ đạo từ ‘đâu đó’. Công luận mong muốn các thẩm phán phải độc lập công lý, tự hào về tính chuyên nghiệp, lương tâm nghề nghiệp thay vì bị lệ thuộc vào và cố chấp để bảo vệ niềm tin giáo điều.

Tóm lại, trong cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng phức tạp, khó khăn ngành tư pháp có vai trò quan trọng không chỉ vì để duy trì chế độ bằng cách đánh bại tham nhũng, mà hơn thế cần phải hành xử với các bị can một cách công tâm, công bằng trước pháp luật, trong đó sự độc lập của tư pháp ngày càng có ý nghĩa quyết định để hướng tới một thế giới càng minh bạch càng tốt.

*  Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Related posts