Tổng bí thư ĐCSVN: Phát triển Đông Nam Bộ thành trung tâm kinh tế, đầu tàu cả nước

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Ông Trọng phát biểu như trên tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra trong ngày 23/10 và được truyền thông nhà nước loan trong cùng ngày.

Ông Trọng qua đó cũng cho rằng phải đưa thành phố Hồ Chí Minh, thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, trở thành điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP HCM, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu với phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên. Phía bắc tiếp giáp với Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, phía tây và tây nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, phía đông và đông nam giáp Biển Đông, phía tây bắc tiếp giáp với Campuchia.

Cũng tại hội nghị, ông Trọng yêu cầu xác định rõ tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức, điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng để đề ra chính sách, biện pháp cụ thể, khả thi cao. 

Cụ thể ông Tổng bí thư ĐCS Việt Nam đề nghị Chính phủ và cơ quan Trung ương tăng cường phối hợp với địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; đô thị với nông thôn mới.

Related posts