Tổng số tiền SCB bị thiệt hại là hơn 760.000 tỷ đồng chứ không phải chỉ 498.091 như cáo trạng

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) vào ngày 14/3 tại phiên xử vụ Vạn Thịnh Phát đang diễn ra nói với Tòa số tiền thiệt hại của SCB tính đến ngày mở phiên xử 5/3 là 760.279 tỷ đồng. Trong số này gốc là 482.449 tỷ đồng, lãi/phó là 277.830 tỷ đồng.

Con số này cao hơn số mà cáo trạng kết luận là 498.901 tỷ đồng.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 14/3.

Đại diện SCB đề nghị Tòa giao cho ngân hàng này toàn quyền quản lý sử dụng 1.66 tài sản bảo đảm mà không phụ thuộc vào tính pháp lý của tài sản có thế chấp hay không; cũng như hoàn trả cho ngân hàng toàn bộ các vật chứng.

Đại diện Ngân hàng SCB tại phiên xử cũng đề nghị thu hồi 240 tài sản hoán đổi và các tài sản hoán đổi khác giao cho SCB quản lý; cũng như tiếp tục truy tìm các tài sản của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chưa bị kê biên để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của các bị cáo cho SCB.

Vào ngày 13/12/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ra trước Toà án nhân dân TP.HCM để xét xử đối với 86 bị cáo trong vụ án đang được xét xử.

Theo cơ quan tố tụng, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông lớn nhất chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện ngân hàng này đã huy động của người dân và các tổ chức khác hơn 673 ngàn tỷ, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng là hơn 511 ngàn tỷ.

Thời điểm đó, tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán là 713 ngàn tỷ. Tuy nhiên, thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định kiểm soát đặc biệt, thuê đơn vị kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính của SCB. Kết quả kiểm toán độc lập xác định ngân hàng  này âm vốn chủ sở hữu 443,7 ngàn tỷ, lỗ lũy kế 464,5 ngàn tỷ.

Sau khi thông tin bà Trương Mỹ Lan và một loạt các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố và bắt giam vào tháng 10 năm 2022, nhiều người dân gửi tiền tiết kiệm và mua các sản phẩm từ Ngân hàng SCB của Vạn Thịnh Phát đã xuống đường biểu tình, tập trung về các trụ sở của SCB ở nhiều tỉnh thành để đòi tiền.

Trong diễn biến liên quan, phần xét hỏi tại phiên xử vụ đại án Vạn Thịnh Phát vào trưa ngày 15/3 được thông báo đã kết thúc và tòa tạm nghỉ đến hết ngày 18/3.

Related posts