TPHCM: Cuộc sống người dân đảo lộn vì gặp khó khi mua xăng

Nhiều người dân ở thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) nói rằng việc đi lại và cuộc sống của họ gặp khó khăn nghiêm trọng khi rất nhiều cây xăng trong thành phố dừng hoặc hạn chế bán xăng.

Từ ngày 8/10, người dân ở các tỉnh thành phía nam vất vả trong việc tìm một đại lý xăng dầu có  bán nhiên liệu để mua đổ vào phương tiện. Tính đến tối 10/10 chỉ riêng TPHCM có hơn 100 cây xăng đóng cửa treo biển “hết xăng” hoặc bán với lượng nhỏ giọt, theo thống kê từ Chính phủ.

Mỗi người chạy xe máy chỉ được mua từ 20.000-50.000 đồng tiền xăng sau khi mất nhiều thời gian chờ đợi.

Ông Cao Hà Trực, một tài xế xe ôm của hãng Gojek ở quận Tân Bình hôm 11/10 cho RFA biết:

Việc mua xăng hiện nay thì phải xếp hàng chờ đợi. Mỗi lần mua thì họ bán nhỏ giọt, có nơi chỉ bán 20.000 đồng, có chỗ thì 30.000 đồng và nơi khác thì 50.000 đồng. Họ không bán nhiều và xếp hàng nhiều khi cả nửa tiếng đồng hồ. Sớm nhất là 15-20 phút mới tới lượt mình mua.”

Ông Trực cho biết việc thiếu xăng dầu ở TPHCM ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của ông cũng như nhiều người khác. Họ phải bỏ nhiều thời gian hơn để xếp hàng mua nhiên liệu trong điều kiện thời tiết thất thường.

Một nhân viên viễn thông nhắn tin trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh cho biết, ông thấy việc đổ xăng rất khó khăn trong khoảng hai hôm nay.

i chạy qua 5-6 cây xăng tôi mới tấp vô được một cây xăng mà đổ, đợi gần 20 phút là may mắn lắm rồi. May mà tôi còn trẻ nên chạy đi tìm cũng đỡ chứ tôi nghĩ người lớn tuổi rất khó khăn để đổ xăng vì chen chút nhau rất lộn xộn. Cây xăng làm ăn tệ nhất là H.Q. ở Quận 7, họ đóng và giải thích là hết xăng chờ nhập hàng.”

Ông Nguyễn Đại Lộc- một giáo viên mở lớp dạy học tại nhà ở quận Bình Chánh cho biết việc khan hiếm xăng chỉ xảy ra hai hôm nay. Có cây xăng thì đóng cửa vì bán hết hàng hoặc đang nhập hàng, có cây thì đông người chờ. Ông nói:

Hôm qua (10/10- PV) tôi đổ được 30 ngàn buổi sáng. Rồi mình chạy và cảm thấy không đủ xăng nên trên đường đi về nhà thấy cây xăng khác nhảy vào chờ và đổ thêm được 30 ngàn nữa. Hai lần đổ hôm qua mất chừng 10-15 phút cho mỗi lần đổ. Sáng hôm nay thì mất nhiều thời gian hơn, khoảng 30 phút.”

Ông nói do công việc của mình không bận lắm nên việc chờ đợi khi mua xăng không ảnh hưởng lắm đến lịch làm việc.

Khi được hỏi có theo dõi báo chí Nhà nước về nguyên nhân các cây xăng ở Sài Gòn dừng hoặc giảm bán hàng, ông Lộc cho biết ông không đọc báo chí Nhà nước từ nhiều năm rồi vì thông tin không chính xác “viết vậy mà không phải vậy.”

Ông tin rằng giá xăng trên thế giới sẽ giảm vì Nga sẽ phải giảm giá bán cho dù có thông tin Hiệp hội các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm sản lượng khai thác.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc ở thành phố Thủ Đức nói với phóng viên RFA:

Ba ngày nay tôi không dám ra đường vì xe của tôi đã hết xăng. Các cây xăng khu vực thành phố Thủ Đức nơi tôi ở treo biển hết xăng và không cách nào mua được xăng, cho dù một số địa điểm cây xăng cục gạch” có người bán xăng dầu theo chai với giá 30.000 đồng.”

“Cây xăng cục gạch” chỉ những người bán xăng lẻ bên đường, họ thường để cục gạch và gắn chiếc phễu giấy phía trên như cách làm dấu cho người đi đường biết địa điểm bán xăng.

Ông Phúc cho rằng không thể coi việc thiếu hụt xăng dầu ở TPHCM là thiếu cục bộ của một địa phương, cáo buộc hai bộ bộ Tài chính và Công thương để xảy ra chuyện thiếu hụt xăng dầu ở thành phố đóng góp tiền thuế cao nhất nước. Ông nhận định:

Là việc làm vô trách nhiệm ca cả hai bộ Tài chính và Công thương, và rất nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng sai lầm trong công thức tính giá xăng dầu của Bộ Tài chính dẫn đến các doanh nghiệp bán lẻ càng bán càng lỗ và buộc phải đóng cửa còn dân thì nháo nhào không có xăng để đổ.”

Ông cũng cho rằng quan chức Bộ Công thương có phát ngôn vô trách nhiệm khi nói “Chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa ở thành phố HCM không đại diện, không phổ biến.”

Theo ông, việc thiếu hụt xăng dầu ở Sài Gòn trong mấy ngày qua tác động tiêu cực rất nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và sản xuất của dân chúng, thậm chí ảnh hưởng đến vấn đề an ninh xã hội.

Ông Phúc chỉ ra rằng, thay vì đổ lỗi cho nhau hai bộ Công thương và Tài chính cần phải ngồi lại để tìm ra nguyên nhân, giải pháp cấp bách, ngoài ra cần phải tìm ra người chịu trách nhiệm đồng thời xử lý đến nơi đến chốn.

Related posts