Hôm 31 tháng 8, 2023, Stimson Center, một think tank ở Washington DC, tổ chức hội thảo trực tuyến về nạn buôn người và tội phạm qua mạng ở Đông Nam Á. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Mekong – Hoa Kỳ do Chính phủ Hoa Kỳ bảo trợ. Chương trình Hợp tác Mekong – Hoa Kỳ được Chính phủ Mỹ khởi động vào năm 2020 nhằm mở rộng hợp tác với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan về các thách thức chiến lược của khu vực. Có 4 lĩnh vực được ưu tiên hợp tác là các thách thức an ninh phi truyền thống, quản lý tài nguyên thiên nhiên, kết nối kinh tế, và phát triển nguồn nhân lực.
Hội thảo về vấn đề buôn người và tội phạm qua mạng hôm 31 tháng 8, 2023 của Stimson Center nhằm thảo luận về một số “thách thức an ninh phi truyền thống” trong khu vực. Hội thảo này không chỉ bàn về vấn đề buôn người mà còn tập trung cả vào những vấn đề như chống buôn bán động vật hoang dã, ma túy, buôn lậu và các loại tội phạm khác trong khu vực.
Vấn nạn sát hại động vật hoang dã ở Việt Nam
Bà Nga Bùi, chuyên gia cao cấp tại Traffic, một tổ chức phi chính phủ tập trung vào việc chống buôn bán động vật hoang dã, cho biết Việt Nam là nơi còn lưu lại nhiều niềm tin y học truyền thống, theo đó sử dụng các loại động vật hoang dã để chữa bệnh. Điều đó khiến cho việc săn bắt và buôn bán các loại động vật này trở nên phổ biến.
Mặc dù Việt Nam có nhiều kế hoạch hành động cấp quốc gia và khu vực để chống nạn buôn bán động vật hoang dã nhưng vẫn chưa cải thiện tốt tình hình. Nhiều loại động vật hoang dã đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam và ở phần lớn khu vực sông Mekong, do chúng có “giá trị thương mại.”
Một cách nghịch lý, tập tục “phóng sinh” theo niềm tin Phật giáo cũng gây hại cho động vật hoang dã ở Việt Nam. Người ta bắt động vật hoang dã như chim, cá nhốt lại để “phóng sinh” nhằm “lấy phước”. Điều này khiến nhiều động vật hoang dã bị chết hoặc bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia, trong học đường, mỗi địa phương có vấn đề riêng của mình nên cần có những chương trình giáo dục phù hợp. Nơi nào có tệ nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã nghiêm trọng thì cần có chương trình giáo dục cho trẻ em, thanh thiếu niên những nhận thức về môi trường, y tế, xã hội để nâng cao ý thức bảo vệ tự nhiên.
Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong việc hợp tác với chính phủ, đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác với các nhà sư Phật giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác. Cơ chế hợp tác này có thể giúp sửa đổi những nhận thức sai lệch về việc “phóng sinh” cưỡng bách (bắt động vật để “phóng sinh”), hiến tế động vật và giúp hiểu rõ những tác hại lâu dài của những tập tục này. Ngoài ra, các nhà y học cũng cần nỗ lực giải thích cho công chúng về những rủi ro tiềm ẩn của thói quen ăn thịt động vật hoang dã (như ngâm rượu rắn, ăn cao hổ cốt, thịt rùa, thịt tê tê…). Việc ăn động vật hoang dã có thể khiến cho nhiều loại virus vốn chỉ sống trong môi trường động vật có thể nhảy ra cơ thể người và tiến hóa để lây lan. Nếu điều này xảy ra thì sẽ có hậu quả khôn lường.
Tội phạm sử dụng mạng internet
Trong những năm gần đây, một cuộc khủng hoảng về buôn người ở quy mô khu vực Tiểu vùng sông Mekong đã xuất hiện do các nhóm buôn người sử dụng công cụ trực tuyến ở Campuchia, Lào, và thậm chí lan sang Myanmar và Philippines. Nhiều người Việt Nam cũng là nạn nhân của vấn nạn này.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, sự phát triển nhanh chóng của truyền thông mạng xã hội, tiền điện tử và rửa tiền qua mạng đã gây bối rối cho cơ quan thực thi pháp luật của nhiều nước. Do các loại tội phạm này khéo léo hơn và phát triển nhanh hơn nền tảng pháp lý hiện có. Theo các chuyên gia, chính phủ các quốc gia ở Tiểu vùng sông Mekong vẫn chưa xây dựng năng lực kỹ thuật cho các nhân viên của mình để biết cách theo dõi dữ liệu. Ngoài ra, trong các vụ truy tố, hiểu biết pháp lý của giới luật sư và thẩm phán cũng còn hạn chế đối với việc phân tích các bằng chứng kỹ thuật số. Các nước Tiểu vùng sông Mekong trong đó có Việt Nam đang gặp một vấn đề lớn là ngay cả khi các chuyên gia phân tích dữ liệu có thể thu thập và phân tích dữ liệu kỹ thuật số liên quan đến tội phạm sử dụng mạng, thì những dữ liệu và cách phân tích này vẫn còn mới mẻ khó giải thích để hệ thống tư pháp có thể hiểu được. Theo các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ cần hỗ trợ nhiều hơn với các nước Tiểu vùng sông Mekong trong vấn đề này.
Mafia Trung Quốc điều hành mạng lưới buôn người ở Campuchia
Buôn bán người và đưa người di cư trái phép đang nổi lên như một mối lo ngại lớn trên khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hoạt động lừa đảo để buôn người rồi bán vào các khu vực lao động cưỡng bách như nô lệ đã tăng gần gấp đôi vào năm 2020 so với năm 2018.
Tại hội thảo, RFA đặt câu hỏi với các chuyên gia về nạn buôn người Việt qua Trung Quốc và Campuchia. Theo các thông tin do nhà nước Việt Nam công bố, nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc rồi bị bán vào các cơ sở mại dâm. Ở Campuchia, nhiều lao động bị đưa vào những tổ hợp lao động cưỡng bức. Vậy có điểm gì giống và khác nhau trong hai điểm nóng về buôn người mà người Việt là nạn nhân này hay không? Ông Mech Dara, một chuyên gia Campuchia phát biểu tại hội thảo, cho biết nạn buôn người đưa vào các cơ sở lao động cưỡng bức tại Campuchia cũng do người Trung Quốc đứng sau thực hiện. Những ông chủ Trung Quốc này có hộ chiếu Campuchia, chỉ điều hành sau hậu trường chứ không bao giờ công khai, và thậm chí họ không sống ở Campuchia.
Năm 2022, có một loạt các tường trình trên truyền thông quốc tế về các cơ sở buôn người và cưỡng bách lao động như nô lệ ở Campuchia do tội phạm đến từ Trung Quốc điều hành. Ông Mech Dara, người phát biểu tại hội thảo của Stimson Center hôm 31 tháng 8, 2023, là người đầu tiên công bố những điều tra trên VOD về các ổ tội phạm giam giữ và cưỡng bách lao động tại Phnomphenh và Sihanoukville từ tháng 6 năm 2022. VOD là một tờ báo độc lập thuộc một tổ chức phi chính phủ là Trung tâm Truyền thông độc lập Campuchia (CCIM). Sau đó, đến tháng 7 năm 2022, một chương trình truyền hình của Đài Al Jazeera còn cho biết có những quan chức Campuchia như Thượng nghị sỹ Kok An và Hun To, cháu trai Thủ tướng Hun Sen, liên quan đến những hoạt động này. Đến tháng 9, 2022, một tường trình trên Reuters cho biết là “Mafia Trung Quốc” điều hành các cơ sở này. Nạn nhân ở đó bị nhốt tù, tra tấn và mua đi bán lại như người ta “bán dê.” Sau khi xuất hiện các tường trình này trên truyền thông quốc tế, Cảnh sát Campuchia đã thực hiện một loạt cuộc truy quét tội phạm ở Phnompenh và Sihanoukville. Theo thông tin từ truyền thông của Nhà nước Việt Nam, khi đó có khoảng 1000 người Việt Nam được giải cứu từ các đợt truy quét tội phạm này của Chính phủ Campuchia.
Các chuyên gia khuyến nghị chính sách
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách trong từng lĩnh vực để giải quyết các vấn nạn nêu trên. Đối với việc chống lại hoạt động săn bắt động vật hoang dã, các chuyên gia khuyến nghị cần có nỗ lực về văn hóa, giáo dục, chính sách nhằm giảm các loại niềm tin truyền thống thúc đẩy nhu cầu về động vật hoang dã. Việt Nam là một trong những nước trong khu vực có những niềm tin phổ biến như vậy. Ngoài ra, các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế cũng cần hỗ trợ đào tạo cho các địa phương ở Tiểu vùng sông Mekong về các nguyên tắc xử lý những trường hợp phạm tội do bị cưỡng bách và lừa đảo.
Các đặc khu kinh tế là nơi ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài và chính quyền địa phương thường ít có quyền tiếp cận các hoạt động của họ. Do đó, tội phạm cưỡng bức lao động và buôn người cũng thường tận dụng địa bàn này. Các chuyên gia cho rằng các chính phủ trong khu vực nên cho địa phương thẩm quyền được tiếp cận thông tin về người lao động của các doanh nghiệp trong các đặc khu như vậy.
Một trong những giải pháp quan trọng khác được đề xuất tại hội thảo là các cơ quan tình báo kinh tế theo dõi đường đi của các dòng tiền liên quan đến các loại tội phạm này. Do các loại tội phạm này thường là xuyên quốc gia, các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực phải có cơ chế để hợp tác được với nhau.