Vì sao không bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc?

Gần 200 tổ chức, cá nhân đã tham gia ký tên vào một Thư Ngỏ  kêu gọi các nước thành viên Liên Hiệp Quốc không bỏ phiếu cho VN vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng – Trưởng ban điều hành Mạng lưới nhân quyền VN tại California và ông Nguyễn Thanh Hà-Đại diện tổ chức Họp mặt Dân chủ, hai trong các tổ chức đã ký tên chia sẻ với RFA lý do và kỳ vọng của các ông về việc lên tiếng này. Mời quí vị theo dõi hội thoại sau với PV Thanh Trúc.

Thanh Trúc: Kính chào quí vị, vào ngày 18/4/2022, một số tổ chức xã hội dân sự của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ phổ biến một Thư Ngỏ gởi đến Liên Hiệp Quốc, yêu cầu các quốc gia thành viên đừng bỏ phiếu cho Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQLHQ) nhiệm kỳ 2023-2025.

RFA đã liên lạc và mời 2 vị đại diện của hai tổ chức khởi xướng thư ngỏ, tiến sĩ Lê Bá Tùng, trưởng ban điều hành Mạng lưới Nhân Quyền Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hà, thuốc tổ chức Họp Mặt Dân Chủ.

Trước hết xin Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết những tổ chức nào tham gia ký tên vào Thư Ngỏ này?

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng: Sáng kiến này là của nhiều tổ chức, trong đó có tám tổ chức ban đầu gồm Mạng Lưới Nhân Quyền chúng tôi, tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền Defend The Defenders, Đại Việt Quốc Dân Đảng, đảng Nhân Bản Xã Hội, Họp Mặt Dân Chủ, Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi. Đó là tám tổ chức bắt đầu, nhưng hôm nay đã có thêm nhiều tổ chức khác tham gia rồi.

Thanh Trúc: Thưa ông Nguyễn Thanh Hà, xin cho biết động cơ nào khiến tổ chức Họp Mặt Dân Chủ, mà ông là đại diện, tham gia hưởng ứng Thư Ngỏ này?

Ông Nguyễn Thanh Hà: Chúng tôi đồng lên tiếng và đồng ý kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không bầu cho Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là bởi vì đó là một nhà cầm quyền mà đi ngược lại ý nguyện chân chính của toàn dân, đi ngược lại với những nỗ lực hiện giờ của các quốc gia văn minh đang hướng tới là tự do, nhân bản và dân chủ pháp trị. Việt Nam đã đi ngước lại  những giá trị đó.

Thưa hai, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, như chúng ta đã quan sát trong những thập niên qua và 4, 5 năm năm gần đây, đã liên tục vi phạm trầm trọng về nhân quyền, đàn áp có hệ thống các giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam mặc dù chỉ một tiếng nói ôn hòa, bất bạo động, chẳng hạn như Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, chẳng hạn vụ Đồng Tâm và nhiều vụ khác. Nhà cầm quyền Việt Nam liên tục tống giam ngay cả những Facebooker tức những người chỉ lên tiếng bằng mạng thông tin xã hội.

Vì vậy cho nên chúng tôi nhận thấy Việt Nam căn bản vẫn là một quốc gia vi phạm trầm trọng vấn đề nhân quyền và những quyền dân sự khác. Để cho nhà cầm quyền đó được vào Hội đồng Nhân quyền LHQ tức là lạm dụng ủy ban này. Đó là lý do tại sao chúng tôi tích cực vận động để ngăn Việt Nam vào HĐNQLHQ.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng: Tôi xin bổ túc thêm một lý do khác nữa và rất trực tiếp. Đó là vì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã từ chối ủng hộ việc Đại Hội Đồng LHQ trục xuất Liên Bang Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ trong ký biểu quyết vừa rồi, mặc dù Liêng Bang Nga đã xâm phạm nhân quyền căn bản một cách tàn bạo đối với người dân Ukraine. Đó là lý do trực tiếp, còn vấn đề trong quá khứ cũng như hiện tại Việt Nam đã xâm phạm nhân quyền căn bản của người dân Việt Nam.

Thanh Trúc: Thưa TS Nguyễn Bá Tùng, ông có nói rằng cho đến bây giờ có nhiều tổ chức tham gia ký vào thư ngỏ, ông có thể trình bày thêm?

TS Nguyễn Bá Tùng: Vâng thì bảng lên tiếng, open letter này, được chúng tôi đăng lên trang web của đài Đáp Lời Sông Núi. Chúng tôi kêu gọi đồng hương, các tổ chức, cá nhân, tham gia vào. Cho đến nay chúng tôi đã nhận được rất nhiều, tôi chưa có thì giờ tổng kết, nhưng mà cũng có khoảng 200 tổ chức cùng chúng tôi làm việc này. Địa chỉ của đài Đáp Lời Sông Núi là radiođlsn.com.

Thanh Trúc: Quí ông kỳ vọng có thể thành công hay chí ít làm được điều gì để các nước thành viên chú ý về trường hợp không bầu cho Việt Nam vào một ghế thành viên HĐNQLHQ nhiệm kỳ 2023-2025?

Ông Nguyễn Thanh Hà: Chúng tôi nghĩ rằng hiện giờ chúng ta đang chứng kiến, ít nhất trong vòng năm mươi mấy ngày, một cường quốc như Nga, cũng là một thành viên trong HĐNQLHQ, đã nhân danh chủ nghĩa Đại Nga để đàn áp một cách tàn bạo, tấn công một quốc gia có chủ quyền và lãnh thổ, đó là sự đối chọi giữa “Thiện” và “Ác”,

Trong khi đó thì Việt Nam, hơn bốn mươi mấy năm qua, đã có rất nhiều đàn áp về nhân quyền, ngay cả những tổ chức như Human Rights Watch – Giám  Sát Nhân Quyền, Amnesty International -Ân Xá Quốc Tế vẫn tiếp tục theo dõi nhân quyền bị đàn áp ở Việt Nam.

Chúng ta may mắn có được môi trường tự do ở nước ngoài và nhìn thấy được anh em bên trong vẫn còn bị đàn áp. Thế giới chưa biết được hết những chuyện đó, chỉ một phần nhỏ biết được, vì thế chúng ta phải có nhiệm vụ theo dõi những người bất đồng chính kiến và chúng ta phải lên tiếng liên tục. Chúng ta phải vận dụng bằng mọi cách để lên tiếng, để đưa những tài liệu đó bởi vì đó là tiếng nói của lương tâm, của lẻ phải.

Thanh Trúc: Thưa TS Nguyễn Bá Tùng, đến lúc này Thư Ngỏ  đã được gởi đi chưa và gởi như thế nào:

TS Nguyễn Bá Tùng: Bây giờ là giai đoạn chúng tôi thu thập chữ ký của các đoàn thể và cá nhân người Việt trong cũng như ngoài nước. Trong khoảng ba tuần, sau khi đã có một số chữ ký được cho là khá đầy đủ, chúng tôi sẽ tổng kết rồi gởi về văn phòng Tổng Thư Ký LHQ, nhờ chuyển đến các nước thành viên .

Tôi xin trở lại câu hỏi khi nãy là khả năng tác động của Thư Ngỏ này. Hiện Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc có 193 thành viên, thủ tục bầu chọn vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là quá bán. Chúng ta cần có ít nhất 98 thành viên bác bỏ. Chúng tôi nghĩ cơ hội đó có thể thành công, bởi vì một nước là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An như Nga chẳng hạn mà cũng còn bị trục xuất huống chi là Việt Nam. Cho nên tôi rất hy vọng là chúng ta có thể thành công trong công tác này.

Xin cảm ơn thời gian TS Nguyễn Bá Tùng của Mạng Lưới Nhân Quyền và ông Nguyễn Thanh Hà của Họp Mặt Dân Chủ dành cho buổi nói chuyện hôm nay. 

Related posts